Triển khai “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”, thị xã Đông Triều đã tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.
Các kết quả tích cực
Kết quả từ thực tế cho thấy, sau khi được đào tạo, người lao động trên địa bàn thị xã Đông Triều đã biết cách vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ.
Các hộ nông dân tự tin sản xuất, thoát nghèo, làm giàu nhờ các lớp dạy nghề nông nghiệp (Ảnh TL). |
Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo thống kê sơ bộ, hiện số người sau đào tạo phát huy được hiệu quả làm việc đạt khoảng 80%. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công, có hộ đã có thu nhập khá.
Anh Nguyễn Đức Tuyến (thôn Quảng Mản, xã Bình Khê) cho biết, trước đây thu nhập của gia đình anh chủ yếu từ trồng lúa, nên khá bấp bênh, kinh tế không ổn định.
Sau khi tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng hoa của thị xã, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 0,7 ha của gia đình sang trồng hoa, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đến nay, gia đình có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm từ trồng hoa ly, dơn, cúc.
Tương tự, anh Hoàng Văn Hiền, thôn Trung Lương, xã Tràng Lương sau khi được đào tạo nghề lái xe hạng B2 tại Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, gia đình anh mua xe tải vận chuyển nông sản bán tại chợ Minh Thành (thị xã Quảng Yên).
Anh Hiền cho biết, trước khi có nghề lái xe vận tải hàng hóa, gia đình anh sống bằng nghề chăn nuôi lợn, nhưng do dịch tả lợn châu Phi khiến số lợn của gia đình anh bị chết, gây thiệt hại lớn. Nhờ được tham gia lớp học nghề lái xe ô tô đến nay anh cũng có được công việc với thu nhập khá ổn định.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, nhiều HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đã tạo điều kiện học nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Điển hình như HTX Gốm sứ Đông Thành, phường Đức Chính, đang có 23 thành viên cùng góp vốn sản xuất, hoạt động trên quy mô 2 ha nhà xưởng. Hiện, HTX có 5 lò hoạt động hết công suất, mỗi tháng tổ chức đốt lò 4 lần với số lượng 2.000 - 3.000 sản phẩm.
Dạy nghề trúng và đúng
Giám đốc HTX Nguyễn Hải Đường cho hay, ngoài các sản phẩm bát, đĩa, chén... HTX Đông Thành còn tập trung sản xuất các sản phẩm như chum, vại, chậu hoa, đôn… phục vụ nhu cầu của thị trường. Sản phẩm gốm sứ của HTX đã vươn đến thị trường tại nhiều quốc gia như Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc...
Cần thêm nguồn lực để các chương trình đào tạo nghề nâng cao hiệu quả thiết thực hơn (Ảnh TL). |
Trung bình một năm, HTX Gốm sứ Đông Thành có doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 80 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 8 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, trong 10 năm qua, thị xã Đông Triều tổ chức thành công 111 lớp đào tạo nghề nông thôn, với tổng số 3.718 học viên.
Số lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo đạt 80%. Trong đó, số lao động sau học nghề được HTX, doanh nghiệp tuyển dụng và bao tiêu sản phẩm là 1.421 người. Số lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm, có thu nhập khá trở lên là 1.398 người.
Có thể thấy, lao động trên địa bàn thị xã sau khi học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của thị xã cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể, công tác tuyển sinh trong đào tạo nghề phi nông nghiệp còn thấp, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng so với yêu cầu của HTX, doanh nghiệp...
Trong các năm tới, thị xã sẽ chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, mở lớp đào tạo theo ngành, nghề.
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ được thị xã quan tâm đẩy mạnh, lồng ghép với các buổi họp thôn, khu về những chủ trương của Ðảng, Nhà nước, mục đích đào tạo nghề đối với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, thị xã sẽ chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp thanh niên, người trong độ tuổi lao động để khuyến khích, động viên họ chọn nghề học, việc làm phù hợp…
Nhật Minh