Bình Ninh là xã thuần nông, thu nhập của người dân trước đây rất thấp vì chủ yếu dựa vào cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mọi chuyện thay đổi khi chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có công tác đào tạo nghề, được triển khai hiệu quả.
Cú hích từ dạy nghề
HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đang là đơn vị điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Bình Ninh, với mô hình “Đưa nghề về làng”, kết hợp đào tạo nghề với sản xuất gia công sản phẩm đan đát cho doanh nghiệp.
HTX dạy nghề góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Bình Ninh (Ảnh TL). |
Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX Quyết Thắng chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2014, tiền thân là tổ hợp tác, hiện đang thu hút hơn 60 hộ thành viên.
Nhờ tạo được công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, nên HTX Quyết Thắng được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tam Bình phối hợp thực hiện dạy nghề theo Đề án 1956. Toàn bộ học phí dạy nghề cho phụ nữ được Nhà nước hỗ trợ.
Trong hơn 6 năm qua, HTX đã tổ chức đào tạo được 40 lớp học nghề đan lục bình, với khoảng 1.300 học viên đã được thuần thục tay nghề, bao gồm 1.029 người đang được sử dụng làm lao động gia công cho HTX. Các lao động này nhận nguyên liệu lục bình từ HTX, đem về nhà đan lát, rồi đem sản phẩm đến nộp lại cho HTX, được HTX trả công theo sản phẩm.
Chị Huỳnh Thị Kim Hơn, một thợ giỏi với kinh nghiệm nhiều năm cho hay, trước đây gia đình chị là hộ nghèo, sinh kế chỉ trông chờ vào hơn 1 công lúa không đủ lương thực để ăn, thức ăn thì chỉ là rau tự trồng trong vườn nhà sinh sống qua ngày...
Từ khi đến HTX học nghề đan lục bình, mỗi ngày chị có thu nhập 150 - 250 nghìn đồng, cuộc sống gia đình nhờ thế cũng khá hơn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Thủy, thành viên liên kết của HTX chia sẻ, sau nhiều năm đi làm thuê, làm mướn, thu nhập bấp bênh, năm 2016, chị chủ động xin tham gia lớp dạy nghề của HTX để có thu nhập ổn định hơn.
“Giờ, tôi làm gia công đan lát loại sản phẩm hộp vuông từ lục bình cho HTX, thời gian để hoàn thành sản phẩm này khoảng 1,5 giờ, được trả công 35 nghìn đồng/sản phẩm. Nếu chịu khó, mỗi tháng, tôi cũng kiếm được vài triệu đồng”, chị Thủy cho hay.
Bám sát nhu cầu thị trường
Bên cạnh HTX Quyết Thắng, với điểm sáng nghề đan mỹ nghệ, trong những năm qua, xã Bình Ninh cũng thực hiện nhiều chương trình dạy nghề khác, đem lại hiệu quả thiết thực.
Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh (Ảnh TL). |
Với nhóm nghề phi nông nghiệp, bên cạnh đan đát, xã tổ chức các lớp dạy nghề may, xây dựng, nấu ăn, sửa chữa máy móc… Với nhóm nghề nông nghiệp, các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ thường xuyên được triển khai, thu hút hàng trăm lượt học viên.
Sau các lớp học nghề, đa phần các lao động địa phương đều nắm chắc kiến thức, vận dụng tốt vào thực tế để xây dựng kinh tế gia đình, hoặc tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài địa phương.
Điển hình, anh Huỳnh Thanh Mộc, sau khi được xã tạo điều kiện tham gia khóa dạy nghề sửa chữa máy móc của huyện đã có thể tự khắc phục các lỗi máy móc trong quá trình sản xuất của gia đình, đồng thời anh mở một cửa hàng nhỏ chuyên sửa chữa máy móc cho người dân trong xã.
“Trước đây, hễ máy hỏng là lại phải đem ra hiệu sửa, tốn rất nhiều chi phí, thì nay tôi có thể tự khắc phục, vừa tiết kiệm, lại vừa không mất thời gian, đáp ứng kịp thời vụ. Cửa hàng sửa chữa của tôi hiện không lớn, nhưng cũng cho thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng”, anh Mộc nói.
Theo đại diện UBND xã Bình Ninh, hiệu quả của công tác đào tạo nghề là một trong những nhân tố quan trọng giúp địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo nên những chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Đầu năm 2020, xã chính thức hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có những tiêu chí đạt vượt khá xa so với quy định, điển hình như tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động vượt 19,63%, tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn vượt 19,63%, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 48,89%...
Trong thời gian tới, xã sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Bám sát nhu cầu thị trường để người lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập cao.
Xã cũng sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo. Khuyến khích các lao động sau học nghề liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, tạo thu nhập bền vững.
Hưng Nguyên