Nhận thấy đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật (NKT) thuộc hộ nghèo, mức trợ cấp xã hội thấp, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm..., Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như những chính sách phát triển mô hình HTX, gian qua, không ít NKT đã được đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua mô hình HTX.
Đào tạo nghề cho NKT
Thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật cho thấy, cả nước có gần 8 triệu NKT từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số, trong đó 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Đa số NKT trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn, gặp khó khăn về nhiều mặt.
Thế nhưng, cả nước mới có khoảng 30% trong tổng số gần 2 triệu NKT ở độ tuổi lao động, còn khả năng lao động là có việc làm, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ chủ yếu làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Như vậy, nước ta òn hơn 1 triệu người khuyết tật có khả năng lao động chưa tham gia lao động.
Nhiều HTX đã là điểm tựa cho người khuyết tật |
Nhằm giúp NKT vượt lên hoàn cảnh, ngoài các chính sách bảo trợ xã hội, trong những năm vừa qua, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, học nghề, tìm việc làm. Trong đó, việc thành lập các HTX và hỗ trợ phát triển các HTX đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nhiều NKT.
Tiêu biểu HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng tại (Sóc Sơn-Hà Nội). Khi thành lập, HTX đã chú trọng dạy nghề cho NKT bằng các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, gồm chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… sau đó liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi sản xuất ổn định.
Không dừng lại ở đó, HTX còn mở rộng sản xuất, tiến hành đào tạo nghề sản xuất hạt gỗ hương, photocopy, đánh máy, in ấn cho NKT. Nhờ đó, HTX giải quyết việc làm cho gần 30 lao động là NKT…
Tương tự, HTX 18/4 Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) hàng năm mở các khóa vừa học vừa làm cho NKT. Mỗi khóa học kéo dài khoảng 6 tháng. Kinh phí đào tạo, Sở LĐTB&XH hỗ trợ 50%, HTX tự lo 50%. Người học nghề ngoài được lo hoàn toàn ăn, uống, trung bình mỗi em được trả lương 2 triệu đồng/tháng. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 20 NKT, người bị chất độc da cam, từ đó giúp họ lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Điểm tựa cho NKT
HTX thủ công mỹ nghệ An Dương (Hải Phòng ) ban đầu chỉ có ý định tập hợp một số chị em tâm huyết với nghề thêu ren để cùng làm việc. Sau khi đi vào hoạt động, những người đứng đầu HTX nhận thấy nghề này có thể tạo cơ hội việc làm cho nhiều NKT, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự tin và tự lập trong cuộc sống. Chính vì vậy, HTX mở lớp dạy nghề tạo việc làm cho NKT.
Học viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất hàng thêu ren tại HTX thủ công mỹ nghệ An Dương. |
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có mấy thành viên, hiện nay, HTX thủ công mỹ nghệ An Dương đã có 40 thành viên chính thức và hơn 200 lao động thời vụ. Trong số 40 thành viên chính thức thì có tới 31 NKT, hầu hết là phụ nữ. Làm việc ở đây, các chị tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ, gắn bó, yêu thương như gia đình. Vì thế, dù mức thu nhập còn chưa cao, nhưng mọi người đều thấy vui và yên tâm làm việc.
Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành đã có nhiều HTX cho NKT và nhiều NKT đứng lên thành lập các HTX. Với những tính ưu việt trong liên kết sản xuất, được Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất và với hình thức đào tạo chủ yếu là vừa làm vừa học, học tại HTX, học trong sản xuất… khu vực HTX vẫn đang là điểm tựa cho hàng chục triệu thành viên và người lao động là NKT. Đây là một lượng lớn người lao động góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ổn định chính trị, xã hội.
Hiện, các HTX dành cho NKT ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng Luật Người khuyết tật, các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề, chính sách tạo việc làm cho NKT, từ đó hình thành và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người NKT, đồng thời biểu dương những điển hình trong khắc phục khó khăn học nghề, tạo việc làm, sống tự tin hội nhập cộng đồng, từ đó khẳng định mình của NKT.
“NKT không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng. Giải quyết việc làm cho NKT không phải làm vì từ thiện, mà phải dựa trên quyền được làm việc của họ. Những chính sách hỗ trợ NKT, hỗ trợ phát triển HTX chính là giá đỡ để NKT khẳng định quyền, nghĩa vụ của mình trong xã hội”-bà Ðoàn Thị Nga, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ An Dương, cho biết.
Như Yến