Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện Mang Thít, năm 2018, toàn huyện có gần 40.000 lao động được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiếm trên 60% tổng số lao động; gần 15.500 lao động có bằng cấp chứng chỉ, chiếm trên 23% tổng số lao động. Thông qua việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho người dân được quan tâm, nhất là lao động xuất khẩu nước ngoài.
Nâng cao thu nhập
Thực hiện đề án đào tạo nghề lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 42 lớp đào tạo các ngành nghề như: may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng dân dụng. Trong đó, nghề xây dựng dân dụng được xác định là nghề quan trọng nên có kế hoạch tăng số lớp đào tạo trong năm 2019.
Một lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp thu hút đông đảo học viên tham gia |
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết các nghề đào tạo được quan tâm đầu tư cả về trình độ và gắn với việc làm. Hiện nay, các lao động sau khi học xong đều có việc làm ngay và cho thu nhập khá, góp phần giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương và tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Một số lớp may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khi đào tạo xong là học viên đều có việc làm, thậm chí là nhu cầu sử dụng lao động cao hơn so với số lượng lao động được đào tạo bài bản.
Song song đó, các doanh nghiệp có nhu cầu nguồn nhân lực luôn gắn kết chặt chẽ nên ít xảy ra tình trạng đào tạo xong không có việc làm. Công tác đào tạo nghề ở nông thôn được quan tâm và có định hướng phát triển bền vững, đặc biệt là hình thành các THT sản xuất, HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Sau khi được đào tạo và có việc làm, thu nhập của các học viên tương đối ổn định. Đối với lao động nông nhàn, nếu chỉ tranh thủ thời gian nhàn rỗi thì thu nhập khoảng 2 - 2,5 triệu đồng, còn nếu lao động chính thì có thể đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối khá, góp phần rất nhiều để giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Chị Nguyễn Thu Thảo (xã An Phước) học may công nghiệp từ khoảng 5 năm trước. Sau khi tham gia lao động ở các doanh nghiệp may, chị đã tự mở cho mình một tiệm may để làm chủ. “Từ nguồn thu nhập may, kinh tế gia đình dần đi vào ổn định, con cái được chăm lo học hành đến nơi đến chốn, đời sống khá giả nên đời sống văn hóa cũng được nâng lên” - chị Thảo cho biết.
Công tác đào tạo nghề giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện và đạt kế quả khá tốt ở Manh Thít. Trong ảnh là giám sát tại HTX nông nghiệp Chánh An |
Cần quan tâm hơn
Theo ông Nguyễn Văn Danh - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Mang Thít, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay có các chính sách cho từng đối tượng nên cũng thu hút được sự quan tâm và tham gia của người lao động. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm là sự bắt tay của chính quyền và doanh nghiệp nên cũng tạo điều kiện rất tốt cho người lao động sau khi học nghề.
Tuy nhiên, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm huyện cấp cho Trung tâm khoảng 150 triệu đồng, tương đối hạn hẹp so với nhu cầu mở lớp và học nghề của người lao động. “Với mức kinh phí này, Trung tâm chỉ có thể mở khoảng 10 lớp, còn lại đều chờ nguồn kinh phí ở trên rót về. Do đó, công tác đào tạo nghề cũng gặp khó khăn, nhất là chưa chủ động được việc mở lớp và tình hình thực tế về nhu cầu học nghề của người lao động” - ông Nguyên chia sẻ thêm.
Mặt khác, công tác đào tạo nghề ở một số xã chưa thật sự được quan tâm vì nhiều lý do nên các địa phương không thể tổ chức đào tạo nghề. Thực tế cho thấy, nhu cầu học thì có, kinh phí lại không chủ động được nên khó khăn này cần được giải quyết để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được trơn tru, hiệu quả…
Vì vậy, ngoài các chính sách thu hút người dân tham gia học nghề, để nâng cao hiệu quả thiết thực hơn nữa, cần sự quan tâm, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp về địa phương. Điều này vừa giải quyết việc làm, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động bởi khi đã có nghề, người lao động có thể lựa chọn nơi làm việc, hạn chế sự độc quyền để quyết định mức lương người lao động tại các doanh nghiệp.
Thu Huyền