Quế Võ đang tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề |
Sau 3 năm triển khai chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện Quế Võ đã tổ chức thành công 119 lớp đào tạo nghề cho 3.560 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm, nâng cao thu nhập sau học nghề đạt trên 70%.
Kết quả ấn tượng
Các chương trình đào tạo nghề tại Quế Võ tập trung vào 3 nhóm chủ yếu là đào tạo chuyển đổi các nghề nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn (mây tre đan, thêu ren, chế biến nông sản thực phẩm...).
Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động cũng được huyện tập trung chỉ đạo. Kể từ năm 2016, huyện đã phối hợp tổ chức 374 lớp tập huấn, dạy nghề với 31.026 người tham dự.
Điểm nhấn trong dạy nghề ở Quế Võ là công tác đào tạo ngắn hạn luôn được chú trọng và đẩy mạnh tại hầu khắp các xã, thị trấn, tạo chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm nghề mới như: Nấu ăn, mây tre đan xuất khẩu, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn...
Bên cạnh đó, huyện đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, công tác giảm nghèo... để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Điển hình như Chương trình vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân 73,9 tỷ đồng cho 3.250 lượt hộ nghèo vay vốn, 9,6 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm và 3,4 tỷ đồng cho xuất khẩu lao động có thời hạn…
Nhờ những giải pháp đồng bộ, 3 năm qua, Quế Võ đã giải quyết việc làm cho 9.185 lao động, trong đó số lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp là 5.326 người, lao động làm việc tại các doanh nghiệp, HTX là 2.801 người, xuất khẩu lao động 685 người.
Chương trình vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 373 lao động; chương trình vay vốn khác của địa phương cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 861 hộ nghèo, 651 hộ cận nghèo…
Huyện đã và đang linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án đào tạo nghề |
Tầm nhìn dài hạn
Ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: “Với những nền tảng hiện nay, Quế Võ đặt mục tiêu đến hết năm 2019 có 3.800 lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 12.434 lao động. Đến năm 2020 có 4.500 lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 14.500 lao động. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện năm 2019 lên 68,5%, năm 2020 đạt 70%, bao gồm cả diện chuyển giao khoa học kỹ thuật”.
Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, Quế Võ tiếp tục xác định gắn đào tạo nghề với thực tiễn, đào tạo đúng ngành, đúng nghề, kịp thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, làng nghề và HTX.
“Huyện sẽ chủ động xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo. Thúc đẩy xây dựng mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua thị trường lao động”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chưa qua đào tạo, giúp họ có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.
Đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn giảm nghèo để hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế để họ tự tạo việc làm thông qua các hoạt động sản xuất nhỏ.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, ưu tiên lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.
Phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề từ 700-900 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%, giải quyết việc cho từ 2.800 - 3.200 lao động.
Sáu Ngạn