Theo Quyết định số 53/2015 của Thủ tướng Chính phủ về "chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng trung cấp, học sinh", các sinh viên, đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn học phí 100%, hỗ trợ hàng tháng 100% mức lương cơ bản, 1 triệu đồng/năm tiền chăn ga gối nệm, 300.000 đồng tiền đi lại…
Kết nối chặng đường từ bản làng đến nhà trường
Học xong cấp 2, em Hồ Thị Nhiều, bản Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quyết định theo học lớp kỹ thuật chế biến món ăn của Trường cao đẳng nghề Quảng Bình. Em tâm sự: "Đây là quyết tâm vượt bậc của em và gia đình, bởi nhiều bạn trong bản học xong cấp 2 là nghỉ học, đi làm và lấy chồng. Riêng em thì muốn tự học một cái nghề để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình".
Cán bộ Trường cao đẳng nghề Quảng Bình giới thiệu các lớp học nghề cho em Hồ Thị Say, bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. |
Nhiều người dân ở bản Nà Lâm cho biết, những người quyết tâm đi học như Nhiều ở đây ít lắm. Hầu hết con gái học xong cấp 2 là nghỉ học để lấy chồng, ở nhà làm đồng ruộng, chăm con và đi rừng cùng chồng.
Hồ Thị Say ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân thì lại khác. Học hết lớp 9, em đang ở nhà loay hoay chưa biết làm gì tiếp theo, có thể em sẽ vào Đà Nẵng làm công nhân cùng cha. Hoàn cảnh gia đình Say khá khó khăn, em sống cùng chị gái, bố mẹ đều làm ăn xa. Khi được tư vấn về các khóa học tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình, Say rất hồ hởi và háo hức. Tuy nhiên, Say vẫn tỏ ra băn khoăn bởi lo lắng cha em sẽ không cho theo học. Thêm nữa em vẫn chưa biết tương lai sau khi học nghề sẽ như thế nào, nên rất phân vân.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân cho biết, nhu cầu học nghề của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn xã sau khi kết thúc chương trình học THCS và THPT là rất lớn. Tuy nhiên, đa phần các em còn loay hoay xác định hướng đi cho tương lai, học nghề là một lựa chọn phù hợp, nhưng nhiều em chưa mạnh dạn theo đuổi.
Rõ ràng, hành trình để các em đi từ bản làng đến giảng đường trường nghề không hề đơn giản. Thậm chí, không ít em đã theo học nhưng lại bỏ học giữa chừng như chia sẻ của ông Đoàn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng nghề Quảng Bình.
Cần quyết tâm từ nhiều phía
Ông Tùng cho biết, việc thu hút học sinh dân tộc thiểu số theo học nghề tại trường luôn được chú trọng, đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đa dạng phong phú. Trường tập trung truyền thông các ngành nghề phù hợp với hoàn cảnh, trình độ của các em, đồng thời, chia sẻ thông tin về các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Nhiều khóa học đào tạo nghề của Trường cao đẳng nghề Quảng Bình rất phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. |
Trong đó, các khóa học vừa học nghề vừa học văn hóa luôn giành được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Số lượng các em dân tộc thiểu số theo học khá ít ỏi hoặc quyết tâm đi học nhưng lại bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các em còn non nớt, chưa có sự quyết tâm và nỗ lực. Thêm nữa, chế độ hỗ trợ theo hình thức 1 năm quyết toán 2 lần khiến nhiều hộ gia đình quen với chế độ hỗ trợ của Nhà nước không muốn bỏ tiền ra trước, thanh toán sau.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp du lịch, công nghệ số 9 chia sẻ, hiện tại, nhà trường không có học sinh dân tộc thiểu số nào theo học.
Trước đây, nhà trường cũng đẩy mạnh mảng học nghề cho con em dân tộc thiểu số trên địa bàn, tuy nhiên, hiệu quả rất thấp. Một phần vì một số ngành nghề mà các em muốn theo học phía nhà trường không đào tạo, phần lớn vì tâm lý của các em không muốn đi xa, lo ngại không tìm được việc sau khi kết thúc khóa học, thay đổi môi trường… Nhiều ngành nghề của nhà trường khá phù hợp như đào tạo về du lịch, nhất là du lịch cộng đồng lại không được các em mặn mà đăng ký.
Chính sách hỗ trợ đã có, nhu cầu đào tạo cũng không nhỏ khi Quảng Bình hiện có 6.093 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 25.707 nhân khẩu, sinh sống ở 106 thôn bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu, tập trung cho học sinh, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số lại không hề dễ dàng.
Rõ ràng, để con đường từ bản làng đến giảng đường trường dạy nghề trở nên thuận lợi hơn, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức của đồng bào về vấn đề này, rất cần sự vào cuộc phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, ban, ngành và chính quyền địa phương, không nên xem đây như nhiệm vụ riêng của cơ sở đào tạo. Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền, chú trọng trực quan sinh động để đồng bào hiểu rõ hơn về lợi ích của việc cho con em theo học các khóa học nghề, đặc biệt chú trọng khâu tạo việc làm sau khi kết thúc khóa học.
Mai Nhân