Thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm gắn với đào tạo nghề
Cuối năm 2010, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh với chức năng tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lực lượng lao động HTX. Sau khi ra đời, Trung tâm nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối quan trọng giữa HTX với các tổ chức, chuyên gia đào tạo nghề cho HTX. Từ đây công tác đào tạo nghề cho HTX tại tỉnh Quảng Bình đã được đưa vào chương trình kế hoạch hàng năm và dài hạn. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề đã được Trung tâm xúc tiến thường xuyên hơn.
Nhu cầu đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, HTX tại tỉnh Quảng Bình hiện rất lớn. |
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình kiêm Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Nguyễn Đình Thuyến cho biết, mặc dù định biên của Trung tâm còn hạn chế nhưng Trung tâm đã chủ động điều tiết hợp lý số lượng giáo viên nhằm bảo đảm tốt chất lượng đào tạo và kết quả đào tạo, trong đó có 6 giáo viên phụ trách lý thuyết và 6 giáo viên là những bậc thợ lành nghề chuyên về hướng dẫn thực hành...
Để lao động tại các HTX có cơ hội tiếp cận với việc đào tạo và học nghề, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm đã phối hợp với các HTX, làng nghề tại địa phương tổ chức tuyển sinh, lập kế hoạch triển khai chi tiết đào tạo nghề cho lao động tại nông thôn số lượng từ 15 đến 17 lớp với gần 800 học viên tham gia. Trong quá trình thực hiện, trung tâm luôn chỉ đạo sâu sát, lập kế hoạch cụ thể, xây dựng phương án, tuyển chọn giáo viên, thợ giỏi có tay nghề cao, khả năng đứng lớp bảo đảm kỹ năng thực hành tốt. Vì vậy, chất lượng đào tạo qua các đợt đạt kết quả cao.
“Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số học viên được đào tạo và truyền nghề được tăng lên, đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động. Trong tổng số học viên được đào tạo nghề, 100% số học viên đạt yêu cầu và tốt nghiệp chương trình đào tạo. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, số học viên này sẽ là thành viên và người lao động của các HTX, làng nghề”, ông Thuyến nói.
Bổ sung kinh phí, mở rộng ngành nghề đào tạo
Tỉnh Quảng Bình hiện có 328 HTX, 863 THT đang hoạt động với 126.586 thành viên và 4.130 lao động trực tiếp, trong đó có 984 cán bộ quản lý HTX. Trình độ của cán bộ quản lý sơ cấp, trung cấp là 620 người, chiếm 63 %; trình độ Đại học, cao đẳng 330 người , chiếm 33.5%, còn lại chưa qua đào tạo, trong khi đó các lao động trực tiếp tại các làng nghề, HTX hầu như chưa qua đào tạo.
Do vậy, nhu cầu đào tạo nghề cho HTX trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Chỉ tính riêng hệ thống các HTX nông nghiệp, nhu cầu đào tạo về kỹ thuật canh tác theo công nghệ mới, đào tạo kiến thức về bảo vệ thực vật, về công nghệ sau thu hoạch đã rất lớn. Đặc biệt, tại các HTX tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu đào tạo nghề rất cấp bách, bởi thực tế lao động của các HTX khu vực này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và chỉ được đào tạo, tập huấn ngắn hạn.
Được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhiều lao động nông thôn ở Quảng Bình thoát nghèo. |
Lao động ở các làng nghề truyền thống như nón lá, mây tre, mộc, rèn đúc, đóng thuyền, chế biến thủy sản... đều có kinh nghiệm truyền thống từ nhiều đời nhưng đến nay với nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng mẫu mã thì kinh nghiệm chưa đủ mà cần có kiến thức theo công nghệ mới thì mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, Trung tâm phải tăng cường đổi mới cả chất lượng, số lượng đào tạo và mở rộng ngành nghề đào tạo.
Xuất phát từ thực tế này, năm 2020, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, đào tạo nghề và thành lập mới các HTX là 500 triệu đồng. Dù kinh phí còn hạn chế, nhưng do nhu cầu đào tạo nghề của các HTX trên địa bàn tỉnh rất lớn nên dự kiến năm nay Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình sẽ mở từ 15 đến 17 lớp. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay Trung tâm mới mở 5 lớp với khoảng 400 người tham dự.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng đóng góp quan trọng vào nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và một bộ phận thành viên có nghề, có việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, đến thời điểm này địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: nhu cầu học nghề của học viên thuộc lao động nông thôn trong độ tuổi rất lớn, nhưng kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt rất ít, không đáp ứng nhu cầu học nghề của học viên. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường phụ thuộc vào mùa vụ và thời tiết. Vì vậy việc thẩm định nội dung, chương trình dạy nghề, ký hợp đồng đào tạo triển khai không được kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.
“Chúng tôi đề nghị Liên minh HTX Việt Nam triển khai hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề năm 2020 và UBND tỉnh Quảng Bình cần tăng kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ học nghề cho người lao động của Trung tâm, đồng thời sớm điều chỉnh tăng định mức chi phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho phù hợp trong điều kiện hiện nay để công tác dạy nghề cho các HTX được triển khai theo đúng kế hoạch”, ông Thởi kiến nghị.
Phạm Duy