Những chiêu thức lừa đảo này thường rất tinh vi. Kẻ gian thường lập ra các hội nhóm trên Facebook, Zalo với tên gọi rất thu hút như "Việc làm thêm tại nhà", "Việc nhẹ lương cao", "Tuyển dụng part-time cho sinh viên",...
Nhiều hình thức mạo danh
Gần đây, trên nền tảng Facebook xuất hiện rất nhiều bài đăng tuyển dụng của các nhà Đài, cơ quan Báo chí,… Trực tiếp liên hệ với các đối tượng, VnBusiness ghi nhận, những bài đăng tuyển dụng thường được thiết kế rất chuyên nghiệp, kèm theo hình ảnh hấp dẫn và những lời hứa hẹn về mức lương lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng chỉ với vài giờ làm việc mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi liên hệ và nộp hồ sơ sẽ bị yêu cầu đóng các khoản phí như phí đào tạo, phí đặt cọc, hoặc phí đồng phục. Sau khi nhận tiền, kẻ lừa đảo thường biến mất mà không để lại dấu vết, hoặc nếu có cung cấp việc làm thì đó là những công việc không như lời quảng cáo, thậm chí là công việc bất hợp pháp.
Rất nhiều bài viết công khai với nội dung cảnh báo lừa đảo tuyển dụng trong các hội nhóm. |
Khi đã rơi vào bẫy lừa đảo, nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm lại số tiền đã mất. Đối với học sinh, sinh viên, khoản tiền bị lừa đảo thường là số tiền tiết kiệm ít ỏi, thậm chí là vay mượn từ gia đình, bạn bè. Không chỉ mất mát về tài chính, các nạn nhân còn phải đối mặt với những tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Sự thất vọng, tự trách và mất lòng tin vào các cơ hội việc làm sau này là điều khó tránh khỏi.
Một số bạn trẻ sau khi bị lừa đảo còn rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm, không dám chia sẻ với gia đình vì sợ bị la mắng, trách móc. Nhiều trường hợp nạn nhân còn bị đe dọa, tống tiền nếu không tuân theo những yêu cầu của kẻ lừa đảo.
Một trong những vụ việc nổi bật gần đây là trường hợp của một sinh viên năm nhất tại Hà Nội. Em B.P.M đã bị lừa đảo với mức phí đào tạo 5 triệu đồng cho một công việc "dễ dàng" tại một công ty môi giới. Sau khi nộp tiền, em phát hiện ra rằng công việc này thực chất là một hình thức bán hàng đa cấp, yêu cầu em phải mời gọi người khác tham gia để kiếm tiền.
Tinh vi hơn, đối tượng còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký và dấu mộc của công ty để tạo sự tin tưởng. Ứng viên sau khi chuyển tiền sẽ nhận biên lai và chờ đợi. Chờ quá thời hạn được hứa hẹn mà không có hồi âm, tìm thông tin trang cá nhân của người thu tiền cũng không thấy.
Tăng cường cảnh báo
Anh Lê Văn Minh (VTVCab) cho biết: "Hiện nay, việc mạo danh các đài truyền hình để tuyển dụng đang trở thành một vấn nạn, gây hoang mang cho nhiều người lao động. Những đối tượng này thường sử dụng danh nghĩa các đài nổi tiếng để tạo lòng tin, sau đó lừa đảo người xin việc bằng các khoản phí tuyển dụng hoặc cung cấp thông tin sai lệch, gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan truyền thông chân chính. Bởi vậy, chúng tôi chỉ tuyển dụng trên trang Web của đài".
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát và xử lý các hành vi lừa đảo tuyển dụng trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần phải phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ các bài đăng lừa đảo, đồng thời xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, các trường học, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, cần tích cực hơn trong việc cảnh báo cho học sinh, sinh viên về các nguy cơ lừa đảo khi tìm việc làm qua mạng. Các buổi hội thảo, khóa học ngắn hạn về kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng phòng chống lừa đảo cũng nên được tổ chức thường xuyên. Các bạn trẻ cũng cần nâng cao cảnh giác, không nên quá tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để tránh rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Thiếu úy Vũ Hùng Tráng (Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội) cảnh báo, một số dấu hiệu mà các bạn trẻ cần lưu ý để nhận biết chiêu trò lừa đảo bao gồm: yêu cầu đóng phí trước khi bắt đầu công việc, thông tin công việc không rõ ràng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc yêu cầu tham gia vào các công việc mờ ám. Đặc biệt, khi thấy một công việc có mức lương quá cao so với công sức bỏ ra, các bạn cần cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm.
Không chỉ các bạn trẻ mà tất cả người lao động cần nhận biết các dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng để nâng cao cảnh giác và bảo vệ mình, vì lừa đảo tuyển dụng xảy ra dưới nhiều hình thức và nhiều nền tảng khác nhau. Hơn nữa, các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng…
Lê Hồng