Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), hằng năm huyện Lệ Thủy đã mở từ 5 - 6 lớp đào tạo nghề miễn phí cho trên 200 học viên, trong đó nhiều học viên là thành viên của các HTX trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Dạy nghề gắn với thực tiễn
Gia đình bà Nguyễn Thị Hân ở xã Trường Thủy hiện nuôi khoảng 800 con gà thả đồi thương phẩm. Khi xã tổ chức các lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi, bà chủ động đăng ký tham gia. Từ những kiến thức đã được học, bà áp dụng vào chăm sóc đàn gà của gia đình và đã cho hiệu quả rõ rệt. Hiện mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Thông qua đào tạo nghề giúp nhiều lao động của huyện Lệ Thuỷ có việc làm và thu nhập ổn định. |
Cũng là người được tham gia học nghề theo Đề án 1956, chị Đoàn Thị Như Quỳnh, xã An Thủy, đã lựa chọn học nghề may công nghiệp thời gian 6 tháng. Chị Quỳnh phấn khởi cho biết: "Trước đây, tôi chưa có việc làm nên đã nộp hồ sơ học nghề. Trong quá trình học nghề, được giáo viên hướng dẫn tận tình, vì vậy mà tôi đã có kiến thức về ngành nghề mình lựa chọn. Hiện nay, tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định".
Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của chương trình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, đó là việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có sự đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Với giáo trình dạy nghề đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng, đi kèm với phương thức tuyển sinh linh động, về tận cơ sở nên người lao động không chỉ tiếp cận đầy đủ các thông tin về ngành nghề đào tạo mà còn nắm chắc nhu cầu thị trường lao động để từ đó lựa chọn, đăng ký và tham gia các khóa đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Công nghệ số 9 cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với các địa phương để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó đã đào tạo nghề cho nhiều lao động. Khảo sát cho thấy, lao động qua đào tạo nghề có việc làm chiếm tỷ lệ rất cao".
Theo số liệu của ngành chức năng, từ năm 2011 đến nay, huyện Lệ Thủy đã mở được 142 lớp đào tạo nghề cho hơn 4.741 lao động nông thôn. Phần lớn các học viên phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp, góp phần củng cố tiêu chí số 12 về “Lao động có việc làm” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Lệ Thuỷ.
Nâng chất lượng lao động qua đào tạo
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lệ Thuỷ, các nhóm nghề được đào tạo nhiều, gồm kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi ong lấy mật; trồng và khai thác gỗ rừng; kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ; điện dân dụng; may công nghiệp; lái xe ô tô hạng C…
Nhu cầu đào tạo nghề của người lao động tại huyện Lệ Thuỷ hiện rất lớn. |
Thực tế cho thấy, hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất thực tế của địa phương, giúp các học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào sản xuất, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều bà con đã biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả. Không ít hộ đã vươn lên làm giàu từ những mô hình phát triển kinh tế.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, huyện Lệ Thuỷ đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó xây dựng lộ trình và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách thiết thực và hiệu quả.
Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay đã giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 22% năm 2010 tăng lên 47,5% năm 2019 và đang phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 50%. Nguồn lao động nông thôn tham gia các khóa đào tạo nghề tập trung vào 2 nhóm ngành nghề cơ bản là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phần lớn người lao động sau khi kết thúc các khóa đào tạo nghề đã biết phát huy năng lực, sở trường để tự lập thân, lập nghiệp. Qua khảo sát, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng có việc làm đạt 80%, hệ sơ cấp đạt 76%.
Có thể thấy, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" không chỉ tạo nền tảng để huyện Lệ Thuỷ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Phương Nam