Chị Quang Thị Hằng, thành viên HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An), chia sẻ đầu năm 2017, các thành viên trong HTX được tập huấn quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng. Ai cũng háo hức bởi từng được nghe tính hiệu quả của mô hình.
Nông dân hăng say học nghề
“Chúng tôi đã được nghe nhiều về mô hình này nhưng vẫn rất bỡ ngỡ vì chưa bao giờ được chứng kiến tận mắt. Lúc triển khai tập huấn, các xã viên được nghe hướng dẫn rất cụ thể về kỹ thuật trồng, chăm sóc, điều tiết phân bón hợp lý cho từng thời kỳ, kỹ thuật cung cấp các loại chất dinh dưỡng", chị chia sẻ.
Nông dân Con Cuông ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp. |
Sau khi được tập huấn, các thành viên HTX như chị Hằng đã hăng say sản xuất, hiệu quả thu về rõ rệt. Bên cạnh việc hỗ trợ các thành viên HTX học nghề, UBND huyện Con Cuông cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cả về đầu vào lẫn đầu ra để HTX ngày càng lớn mạnh.
Năm 2017, HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê trở thành đơn vị tiên phong của huyện triển khai các đề án sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2016-2020 bằng việc thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà màng.Theo đó, HTX được UBND huyện hỗ trợ 85% kinh phí xây dựng hệ thống nhà lưới, ánh sáng, nhiệt độ, hệ thống phun nước tự động nhỏ giọt theo công nghệ Israel với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Các thành viên của HTX đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên thực tế, cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đây cũng chính là con đường mà huyện Con Cuông lựa chọn để phát triển kinh tế địa phương.Thông qua việc triển khai các giải pháp đào tạo lao động nông thôn, giúp họ tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở bản Liên Sơn, xã Lục Dạ có thâm niên chăn nuôi gà nhiều năm nay nhưng chỉ dựa theo kinh nghiệm là chính, khi xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại lớn.
Tham gia lớp học nghề chăn nuôi gà, ông Tân nắm được những kiến thức cần thiết trong phát hiện, phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, nhất là việc sử dụng thuốc, tiêm đúng liều, đúng cách. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay gia đình đã đầu tư chăn nuôi 3 lứa gà/năm, mỗi lứa trên 1.000 con.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
“Kiến thức thu được từ lớp dạy nghề không chỉ phục vụ công việc chăn nuôi cho gia đình, khi bà con hàng xóm có nhu cầu có thể giúp đỡ, cùng nhau phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ thêm.
Chia sẻ kiến thức học nghề giữa nông dân với nông dân. |
Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có trình độ tay nghề và việc làm, thu nhập ổn định, thời gian qua, trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đã phối hợp chính quyền địa phương các xã của huyện Con Cuông mở hàng chục lớp dạy nghề lao động nông thôn, thu hút đông đảo học viên tham gia. Đa phần các đối tượng tham gia học ở đây đều là những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã mở được 6 lớp với trên 300 học viên tham gia. Cầm tay chỉ việc là cách làm chủ yếu trong công tác dạy nghề được huyện Con Cuông triển khai thực hiện có hiệu quả. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất.
Theo ông Nguyễn Khắc Sỹ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Con Cuông, huyện xác định phát triển công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đa dạng các ngành nghề, giúp cho các lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kết nối mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đến các thôn, bản và các xã vùng khó khăn", ông Sỹ nhấn mạnh.
Điều này cho thấy, việc phát triển các ngành nghề truyền thống ở huyện miền núi Con Cuông trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, đặc biệt mở các lớp học nghề ngắn hạn tới tận các thôn, bản. Ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, thị trường được mở rộng, giúp tăng việc làm và tăng thu nhập.
Thy Lê