Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 5 năm gần đây, tỉnh triển khai được 438 lớp đào tạo nghề, trong đó có 192 lớp nông nghiệp, 246 lớp phi nông nghiệp, với 12.533 lao động được đào tạo.
Số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 10.400 người, bằng 83,4% so với lao động được hỗ trợ đào tạo. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo và trên 2.000 hộ khá giả.
HTX giúp hàng nghìn hộ nông thôn thoát nghèo
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được đánh giá là một trong những điển hình cho việc tạo việc làm cho lao động nông thông. Nhờ vào thực hiện áp dụng cải tiến kỹ thuật, năng suất cây trồng, vật nuôi nên chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Giá trị sản phẩm tăng, thu nhập thành viên và doanh thu của HTX được bảo đảm.
Thông qua hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê còn có những đóng góp không nhỏ đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. HTX đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển nghề phụ, đào tạo dạy nghề để giải quyết việc làm, thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp, tăng thêm thu nhập cho người người dân trong độ tuổi lao động và thành viên tham gia HTX.
Lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Ninh. |
Tuy nhiên, số lượng các HTX có tính chủ động trong đào tạo nghề như HTX Bình Khê chưa nhiều. Vì vậy, để đảm bảo các HTX được hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương, đồng thời khuyến khích phát triển các đặc thù của tỉnh, như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, chương trình OCOP...
Hằng năm, UBND tỉnh đều giao cho Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Phát triển nông thôn mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên HTX. Đây là một trong những thành công từ chương trình đào tạo lao động nông thôn mà tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Ông Nguyễn Hoài Sơn nói rằng, dù đã đạt được một số kết quả trong công tác đào tạo lao động nông thôn. Nhưng, ông cũng thừa nhận công tác này cũng còn một số những tồn tại hạn chế trong thời gian qua. Cụ thể, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa cao, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp.
Ngoài ra, theo đại diện Sở LĐ-TBXH, tỉnh còn một số hạn chế khác, như: Thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn ít, doanh nghiệp hầu hết chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng theo nhu cầu, chưa thực hiện được việc chủ động đặt hàng đào tạo lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Nâng cao trách nhiệm trong công tác dạy nghề
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, Sở sẽ kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác đào tạo nghề, gắn nhiệm vụ này với phát triển KT-XH của chính địa phương đó.
Công tác đào tạo lao động nông dân cần sự vào cuộc sát sao của lãnh đạo địa phương. |
Sở cũng tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đào tạo nghề.
Tới đây, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo nghề. Sở cũng chuẩn bị tham mưu cho tỉnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo để bước vào giai đoạn mới được tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND tỉnh yêu cầu đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo UBND thị xã, thành phố đánh giá toàn diện lại mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện… Nếu chất lượng không đảm bảo cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ để các Trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả việc đào tạo.
“Việc quan tâm thực sự đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm được coi là yếu tố then chốt để xây dựng mục tiêu giảm nghèo bền vững, nông thôn mới nâng cao, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh”, ông Ký nhấn mạnh.
Thy Lê