Vài năm trước, nhờ tham gia một khoá học nghề may do huyện Châu Đức tổ chức trong 3 tháng, bà Trương Thị Ngọc Thọ (xã Kim Long) đã có việc làm ổn định từ từ xưởng may mở ngay tại nhà.
Dạy nghề theo nguyên tắc “4 biết”
Cũng được hỗ trợ học nghề may như bà Thọ còn có hàng chục lao động khác ở các xã trên địa bàn huyện. Thấy nhiều chị em học nghề may, bà Thọ đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng, tìm kiếm đối tác để có việc làm và đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nhờ học nghề may nên nhiều phụ nữ ở huyện Châu Đức có công ăn việc làm |
Việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Châu Đức xác định rõ nguyên tắc: sau khi học nghề xong, học viên phải có được việc làm. Nhất là với các ngành nghề kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản nước ngọt; điện công nghiệp, may công nghiệp, thợ nề, sản xuất mây tre đan...
Một lãnh đạo huyện cho biết, việc dạy nghề phải theo đúng nguyên tắc “4 biết”: Biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong. Đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế, nhằm gắn kết người lao động với việc làm.
Cũng nhờ huyện Châu Đức tạo điều kiện học nghề, các buổi tập huấn về nghề nuôi cá nên một số hộ dân ở xã Suối Rao hiện nay đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ nuôi cá lóc, cá tra, cá ba sa, ba ba…sang nuôi cá chình xuất khẩu.
Trong phong trào học nghề nuôi cá chình nở rộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều nông dân ở huyện Châu Đức. Và trong các mô hình nuôi cá chình ở huyện này thì phải kể đến HTX Nuôi cá Suối Giàu. Tên gọi của HTX được lấy từ tên hồ Suối Giàu gần đó. Hiện, HTX Nuôi cá Suối Giàu có 14 nhân công, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, nghề trồng nấm bào ngư cũng được nhiều người trong huyện quan tâm. Điển hình như HTX nuôi trồng nấm bào ngư Tân Giao (xã Láng Lớn) đã mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho các thành viên. HTX đang tính chuyện mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của mô hình này.
Biết được mô hình trồng nấm bào ngư của HTX mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã Láng Lớn đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đều được tận tình hướng dẫn.
Đào tạo “3 tại chỗ”
Cán bộ khuyến nông huyện Châu Đức cho biết, huyện cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất để phát triển, nhân rộng mô hình trồng nấm cho nông dân địa phương, nhất là sẵn sàng hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất.
Có một thực tế trước đây là nhiều lao động nông thôn, nông dân trong huyện còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Họ chủ yếu làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa chưa tương xứng với thời gian và chi phí lao động.
Vì vậy, Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Đức đã đề xuất với các cơ sở đào tạo áp dụng phương pháp truyền đạt, hướng dẫn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, đào tạo “3 tại chỗ”: tuyển sinh tại chỗ, đào tạo tại chỗ và giải quyết việc làm tại chỗ.
Ngoài các chính sách hỗ trợ người lao động, sau khi kết thúc khóa học, huyện còn hỗ trợ giới thiệu việc làm, ưu tiên cho vay vốn để người lao động tự tạo việc làm.
Nhiều lao động nông thôn ở Châu Đức “đổi đời” nhờ học nghề nuôi trồng thuỷ sản |
Việc đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số cũng được huyện Châu Đức chú trọng. Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình, chính sách và nỗ lực học nghề. Hiện nay, bà con các dân tộc thiểu số nơi đây phấn khởi lao động, sản xuất để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Ông Đào Văn Nuôi, người dân tộc Châu Ro ở xã Đá Bạc, kể: trước đây, cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa bằng công việc làm thuê, làm mướn. Nhờ được tham gia các buổi tập huấn, phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào nghề chăn nuôi nên đàn bò, dê của gia đình đến nay đã phát triển lên gần 20 con, mỗi năm bán bê, dê thịt thu lãi hơn 80 triệu đồng. Hiện, gia đình ông đã thoát nghèo và đã bắt đầu có tích lũy.
Thanh Loan