Thời gian gần đây, một số huyện, thành phố ở tỉnh Hậu Giang như Tp. Ngã Bảy, Tp. Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ... đã tổ chức các lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi lươn trong bể cho nông dân.
Học nghề để ứng dụng vào mô hình sản xuất
Các lớp dạy nghề nuôi lươn đã giúp cho nông dân nắm bắt các kỹ thuật làm bể, chọn giống, xử lý và quản lý mầm bệnh... Sau khóa học, học viên có thể nhận biết được nguyên nhân gây bệnh, có thể ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm quản lý và phòng trừ các loại bệnh trên lươn.
Nhiều nông dân ở Hậu Giang đang quan tâm học nghề nuôi lươn thương phẩm |
Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó Trưởng phòng kinh tế Tp. Vị Thanh, cho biết các lớp đào tạo nghề nuôi lươn rất có ý nghĩa với các lao động nông thôn. Đặc biệt là khi lươn hiện nay rất khan hiếm, lươn giàu chất dinh dưỡng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Các lớp tập huấn nuôi lươn trong bể theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân trong và ngoài mô hình.
Theo bà Huỳnh Thị Trúc Ly, Phó Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, nghề nuôi lươn cần có sự đào tạo nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị lươn thương phẩm và thu nhập cho người nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Các buổi học nghề nuôi lươn ở Hậu Giang được hướng dẫn quy trình: Kỹ thuật xây dựng chuồng, bể nuôi; lựa chọn con giống; kỹ thuật nuôi chăm sóc và phòng trị bệnh; một số vấn đề về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, ghi chép nhật ký điện tử.
Qua lớp học này giúp cho nông dân nắm được kỹ thuật nuôi và những kỹ năng cơ bản để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt nói chung và lươn nói riêng, cách thiết kế bể nuôi đơn giản tận dụng từ chuồng nuôi heo cũ, dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, phù hợp điều kiện hộ gia đình, giúp nâng cao nâng suất và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh nghề nuôi lươn, các địa phương ở tỉnh Hậu Giang hiện đang có nhiều hoạt động đào tạo nghề nông để nông dân, lao động nông thôn ứng dụng vào các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm.
Đơn cử như ở huyện Vị Thủy, ngoài việc chú trọng đào tạo nghề nông, huyện còn đẩy mạnh việc tư vấn thành lập HTX cho nhóm, hộ nông dân, tư vấn hướng dẫn, tổ chức thành lập các HTX về sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.
Nhu cầu của nông dân
Thông qua các buổi tư vấn này, các nông dân sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động HTX, có điều kiện tham gia, cũng như tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông sản sạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…
Huyện Vị Thuỷ cũng trang bị kiến thức cơ bản cho các nông dân về xây dựng và phát triển rộng rãi mô hình kinh tế HTX với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, phù hợp với điều kiện ở địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân.
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có hơn 200 HTX, trong đó 175 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với việc đào tạo nghề nông từ các trung tâm khuyến nông, hội Nông dân thì các HTX đã thực hiện được chức năng định hướng, tổ chức hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cùng tỉnh trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Là tỉnh thuần nông nên nhu cầu đào tạo nghề nông cho nông dân ở Hậu Giang là rất lớn |
Hồi năm ngoái, tỉnh Hậu Giang đã mở 171 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tại các lớp học này, lao động nông nghiệp được đào tạo khá nhiều nghề như trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, đan dây nhựa, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn…
Vì là tỉnh thuần nông, trong xu thế chuyển đổi cơ chế kinh tế nên nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, lao động nông thôn của tỉnh Hậu Giang được cho là rất lớn.
Để thuận tiện và cũng nhằm thu hút các học viên, các khóa học được thiết kế ngắn, dưới 3 tháng và tổ chức bằng nhiều hình thức: dạy tập trung tại các cơ sở dạy nghề, dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngoài ra, nông dân còn được dạy nghề tại doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm.
Thanh Loan