Những năm gần đây, các sản phẩm làm từ nhựa với sự tiện lợi, gọn nhẹ, giá thành rẻ đã thu hút và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và môi trường sống… Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều phụ nữ ở HTX Thành Thọ đã sản xuất ra những sản phẩm từ mây tre đan thân thiện môi trường, góp phần không nhỏ thay thế đồ nhựa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Thân thiện với môi trường
Chị Mai Thị Bảy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thành Thọ cho biết: Với đam mê mỹ thuật đan lát từ hồi còn trẻ đã thôi thúc chị khao khát phát triển ngành nghề mây tre đan tại quê nhà, tạo việc làm cho chị em phụ nữ địa phương và góp phần bảo vệ môi trường.
Nghề mây tre đan ở HTX Thành Thọ thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia lúc nông nhàn. |
Vượt qua những khó khăn ban đầu, từ quy mô chỉ có từ 3-5 lao động, chủ yếu là những người thân quen, sản phẩm làm ra mang tính chất tự cung tự cấp, cơ sở đan lát của chị Bảy dần phát triển, thu hút được nhiều lao động trong xã và các xã lân cận, sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài.
Năm 2019, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh HTX tỉnh, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị Bảy thành lập HTX nghề thủ công Thành Thọ, đến nay đã có 130 thành viên.
Nghề mây tre đan không kén lao động bởi bất kỳ ai, từ người già đến trẻ nhỏ nếu chăm chỉ cũng có thể học và đan được. Tuy nhiên, để làm ra các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang thị trường quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và ưa thích của người tiêu dùng thì ngoài tay nghề khéo léo, kỹ thuật cao còn phải luôn sáng tạo được những mẫu mã riêng biệt.
Cũng theo chị Bảy, thời gian gần đây, các công ty lớn nhỏ, người dân khắp nơi đã tìm đến sản phẩm của HTX Thành Thọ nhiều hơn. Không chỉ vì mẫu mã sản phẩm luôn được đổi mới, chất lượng cao mà còn do ý thức của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, vật dụng khó phân hủy. Thay vào đó, các mặt hàng, đồ dùng gia dụng được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường được ưa chuộng và phổ biến hơn.
Theo đó, các sản phẩm của HTX Thành Thọ rất đa dạng mẫu mã và nhiều chủng loại như mây thảm cói, giỏ đựng đồ, làn, túi xách, khay đựng, song xiên, xiên giỏ tích, lồng úp xuất khẩu, đan hàng rào nứa,... Các sản phẩm này được làm từ các nguyên liệu như mây, tre… có sẵn trong tự nhiên, dễ phân hủy nên không ảnh hưởng tới môi trường.
Do ngành nghề của HTX chủ yếu sản xuất các sản phẩm từ mây, tre, sợi đay, đan thủ công nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của phụ nữ nên không chỉ có những chị em từ 30 - 45 tuổi mà còn có nhiều phụ nữ tuổi cao vẫn tham gia làm được. Lực lượng tham gia không chỉ trong địa bàn xã mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã lân cận như: Thành Tiến, Thành Yên, Thành Trực,…
Trong sản xuất, HTX luôn chấp hành công tác bảo vệ môi trường, không xả nước thải, chất thải bừa bãi ra môi trường, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thu gom phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Được biết, nhằm tránh việc tụ tập đông người trong thời điểm dịch Covid-19, HTX đã cho tạm dừng việc tập trung lao động sản xuất tại cơ sở, thay vào đó là khuyến khích chị em sản xuất tại nhà.
Nhờ tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các sản phẩm gia công các mặt hàng mỹ nghệ được công ty gửi mẫu mới về làm, HTX đều đáp ứng đủ nên công ty rất tín nhiệm. Sản phẩm được các công ty thu mua xuất bán sang thị trường các nước, như: Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khu vực Tây Á.
Nghề phụ mang lại thu nhập chính
Nếu như ở Thành Thọ, chị em phụ nữ có “sẵn nong sẵn né” đón nhận tay nghề, thì HTX đang đóng vai trò là cầu nối mở nghề.
Trong 2 năm (2019-2021), HTX đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức được 2 lớp dạy nghề cho hội viên của 4 chi hội phụ nữ trong xã, thu hút được gần 100 chị em hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm, đặc biệt là đối tượng khuyết tật của địa phương; chủ động tìm và liên kết với những nhà máy, xí nghiệp để mở rộng sản xuất.
Những sản phẩm của HTX được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường. |
Không những vậy, tất cả những lao động muốn theo nghề được HTX hướng dẫn, đào tạo kỹ càng từ 2-3 tháng hoàn toàn miễn phí.
Các học viên được hỗ trợ trang bị các nguyên vật liệu, vật dụng cho học nghề như song mây, guột, kim đan, khuôn… Đồng thời, lớp học có sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật đan của một số cơ sở đang trực tiếp làm hàng mây tre đan mỹ nghệ trên địa bàn huyện và các học viên đã có kinh nghiệm truyền dạy cho nhau trong lớp học. Ban đầu, các chị em đan những công đoạn dễ như đan đáy, lên thành, học đan nắp… theo khuôn đã định và lắp ghép hoàn thành sản phẩm theo mẫu.
Bà Bùi Thị Ý, thành viên HTX tâm sự: “Sau 3 tháng học nghề, tôi đã thành thạo các công đoạn, toàn bộ sản phẩm làm ra đều được HTX bao tiêu thu mua với giá cả ổn định”.
Theo bà Ý, làm mây tre đan đòi hỏi óc sáng tạo và sự khéo léo. Với tay nghề vững, mỗi ngày bà có thể làm ra 5-7 sản phẩm các loại. Do nhận gia công nên công việc đan lát được bà làm thêm ngoài giờ vào ban trưa hoặc buổi tối sau khi xong việc nương rẫy, đồng áng. Với mức thu nhập từ 2-3,5 triệu đồng/tháng (tính theo sản phẩm), đã đem lại nguồn thu nhập chính, giúp gia đình bà có “của ăn của để”.
Hiện, trung bình mỗi tháng HTX Thành Thọ sản xuất được khoảng 1.000 - 1.200 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ 20.000 – 400.000 đồng. Do đó, HTX đã tạo việc làm cho từ 150-200 lao động với nguồn thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Với chị em ở vùng nông thôn, đây là khoản thu nhập đáng kể cho gia đình lúc nhàn rỗi, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục kết nối với tỉnh, huyện và các doanh nghiệp, hỗ trợ về vốn đầu tư mở lớp dạy nghề, tìm đầu ra sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu làng nghề...”, chị Mai Thị Bảy thông tin.
Mai Ngọc