Theo Ban giám đốc HTX Thắng Lợi, dù địa phương có nghề thủ công nghiệp là mây tre đan nhưng có thời điểm làng nghề bị mai một. Nhân công ngày càng ít đi do người dân di cư đi làm tại các thành phố lớn hay các khu công nghiệp.
Đào tạo nghề là giá trị cốt lõi
Cả xã Thọ Thành có hàng trăm hộ nhưng đến năm 2016 chỉ còn khoảng 30 hộ theo nghề. Số lao động theo nghề mây tre dân chủ yếu là người già, sức khỏe có hạn nên sản phẩm nhiều khi không đáp ứng yêu cầu thị trường và sản lượng ít.
Tuy nhiên, HTX xác định nghề mây tre đan nhẹ nhàng, người lao động chỉ cần tập trung, chăm chỉ cộng với óc sáng tạo là có thể hoàn thiện sản phẩm và mang về thu nhập từ 80.000-120.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, thị trường thế giới đang rất ưa chuộng những sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, nên phát triển nghề mây tre đan vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, vừa giữ gìn nghề truyền thống.
Nắm được khó khăn ở chất lượng nguồn lao động, HTX đã cùng các, cấp ngành địa phương chú trọng đào tạo nghề cho người dân và thành viên. Mục tiêu của HTX là mỗi năm tạo điều kiện cho thành viên, người lao động tham gia ít nhất một lớp đào tạo nghề để nâng cao kiến thức sản xuất kinh doanh.
Đào tạo nghề là cách giúp nâng cao giá trị sản phẩm mây tre đan. |
Mới đây nhất, vào tháng 6/2021, HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị tham gia lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ do Liên minh HTX tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành, UBND huyện Con Cuông và các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Lớp học nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá cổ truyền dân tộc. Đồng thời, khuyến khích, tạo việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho lao động nông thôn ngay tại nhà, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
“Thời gian tham gia lớp học là 2 tháng. Học viên sẽ được hỗ trợ toàn bộ các chi phí, được tiếp thu kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật đan lát… từ đó tạo ra các sản phẩm mây tre đan bền, đẹp. Ngoài ra, người dân còn tiếp cận nhiều mẫu mã sản phẩm mới hợp với thị trường và người tiêu dùng”, ông Tăng Tiến Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết.
Hàng năm, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, bà con sẽ được HTX nhận vào làm việc. Thời gian đầu, người lao động sẽ làm tại HTX. Khi nào vững kỹ năng thực hành, HTX sẽ phát nguyên liệu để người dân chủ động sản xuất tại gia đình. Sản phẩm làm ra được HTX cam kết bao tiêu, đồng thời liên kết với các điểm du lịch trên địa bàn huyện và trong tỉnh để thu mua sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng như xuất khẩu.
Thu hút lao động nông thôn
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, ngoài đào tạo nghề, HTX còn chú trọng đầu tư máy móc, hướng dẫn và đào tạo thành viên, người lao động sử dụng máy móc hiệu quả.
Ông Tăng Tiến Huỳnh cho biết, lúc HTX mới thành lập, người lao động làm việc chủ yếu bằng hình thức thủ công dẫn đến năng suất lao động chưa cao, thu nhập chưa được cải thiện nhiều. Nay, HTX đã đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh nên đã có chuyển biến mạnh.
Người dân có thể làm việc tại nhà giúp nâng cao thu nhập. |
Tiêu biểu là HTX đã đầu tư 10 bộ máy chế biến nguyên liệu, do đó thành viên, người lao động chỉ việc nhận nguyên liệu về sản xuất hàng hóa. Nhờ có sự hỗ trợ của máy, năng suất lao động đã tăng gấp 10 lần so với làm thủ công, thu nhập của người lao động cũng được tăng lên rõ rệt, dao động từ 3,5 triệu đồng/tháng trở lên.
Tại trụ sở của HTX thường xuyên có 20-30 lao động làm việc ổn định. Riêng làm việc theo thời vụ, HTX luôn thu hút 200 - 500 lao động quanh vùng tham gia.
HTX cũng tích cực liên kết cùng với các HTX, doanh nghiệp, Liên minh HTX tỉnh và các cấp liên quan thực hiện đào tạo nghề thủ công nghiệp cho người lao động nông thôn.
Liên tục những năm qua, trung bình mỗi năm, HTX đào tạo 60 - 120 lao động theo nghề mây tre đan xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc góp phần mở rộng quy mô, cũng như giải quyết việc làm cho một số lượng lao động nhàn rỗi, dư thừa ở nông thôn.
“Hiện, có tới 80% số hộ của làng nghề tham gia sản xuất mây tre đan tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở nhiều độ tuổi khác nhau, kể cả nam giới”, ông Tăng Tiến Huỳnh chia sẻ.
Vĩnh Bảo