Công tác đào tạo nghề tỉnh Bắc Ninh đang chuyển biến tốt |
Hiệu quả thiết thực
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, tính đến năm 2019, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 22.841 lao động khu vực nông thôn. Trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo, với sự thay đổi lớn trong nhận thức.
Có kinh nghiệm gần 15 năm với nghề mây tre đan truyền thống, nhưng chỉ sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề đan của tỉnh, chị Lê Thị Tuyết (huyện Yên Phong) mới nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo nghề bài bản, nắm vững khoa học – kỹ thuật.
“Sau khi học nghề, tôi không chỉ tập trung vào các sản phẩm đơn giản như rổ, rá, nong, nia, mà còn hướng tới các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du khách như túi xách, đèn lồng, chụp đèn, đồ trang trí… Giá trị sản phẩm theo đó cũng tăng 50 – 60% so với trước”, chị Tuyết vui vẻ cho hay.
Cũng được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo nghề của tỉnh, anh Đinh Xuân Việt (huyện Quế Võ) chia sẻ: “Năm 2018, tôi bỏ nghề thợ xây nay đây mai đó để tham gia lớp đào tạo nghề mộc. Kết thúc khóa học, tôi cùng một bạn cùng lớp tự mở xưởng. Các sản phẩm của chúng tôi hiện đang rất được khách hàng tin tưởng”.
Nhờ tay nghề cao, các sản phẩm chất lượng, đa dạng, chỉ sau hơn một năm phát triển, xưởng mộc của anh Việt đang phát triển ổn định với lợi nhuận bình quân 30 – 35 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương ổn định 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề trong những năm tới |
Tiếp tục đẩy mạnh
Trên địa bàn tỉnh cũng đang hình thành nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng nấm tại hộ gia đình được nhân rộng tại các xã ở huyện Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ.
Sau khi được đào tạo nghề, các hộ đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất nấm. Một số hộ gia đình tập trung thành các tổ sản xuất nấm cho hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông nhàn với mức thu nhập nhập bình quân từ 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Cũng có thể kể đến mô hình trồng nghệ ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh và xã Bằng An, huyện Quế Võ hiện cho thu nhập bình quân trên 11-13 triệu đồng/sào…
Nhờ phương châm “dạy đúng cái yếu, cái yếu” nên công tác đào tạo nghề tại Bắc Ninh bám sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Không chỉ tập trung vào các ngành nghề thiết thực, hoạt động dạy nghề của tỉnh cũng tập trung mạnh vào các đối tượng yếu thế. Cụ thể, trong tổng số hơn 22.000 lao động được đào tạo của tỉnh có 13.991 lao động nữ, 108 lao động thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, 695 lao động là người bị thu hồi đất nông nghiệp…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo nghề; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo…
Trong năm 2020, tỉnh dự kiến đào tạo nghề nông nghiệp cho 800 lao động ở khu vực nông thôn, trong đó Sở NN&PTNT đào tạo cho 450 lao động, cấp huyện đào tạo cho 350 lao động; 60% số lao động khu vực nông thôn được đào tạo nghề phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mộc Miên