Công tác đào tạo nghề cho LĐNT huyện Đông Sơn đang được đẩy mạnh |
Hiệu quả từ đào tạo nghề
Số liệu thống kê của HĐND huyện Đông Sơn cho biết, trong giai đoạn 3 năm từ 2016 – 2018, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, toàn huyện đã mở được 23 lớp, dạy nghề cho 730 lao động.
Trong các chương trình đào tạo, nghề nông nghiệp có 5 lớp đào tạo với 175 lao động, tập trung vào các nghề chủ lực như trồng rau an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức sản xuất và quản lý trang trại, vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp.
Các nghề phi nông nghiệp chiếm số lượng lớn hơn với 18 lớp đào tạo, 555 lao động. Nghề chủ lực trong chương trình đào tạo là may công nghiệp (chiếm trên 90%), cùng các nghề khác như nấu ăn, cắm hoa, tổ chức sự kiện, vi tính văn phòng, cơ khí…
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết với dạy nghề phi nông nghiệp, có 90% lao động sau đào tạo có việc làm, đơn cử với lao động học nghề may, các học viên sau khi tham gia các lớp đào tạo được giới thiệu vào làm việc tại các công ty May Phú Anh (xã Đông Anh), công ty TNHH In Kyung Vina (xã Đông Ninh), doanh nghiệp May Phương Xinh (xã Đông Nam)…
Đối với đào tạo nghề nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), xấp xỉ 100% lao động có việc làm sau đào tạo. Với nền tảng kiến thức vững vàng trong quá trình học nghề, đa phần các học viên có cơ hội tham gia vào HTX, tổ hợp tác, tự tin khởi nghiệp, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Huyện sẽ đẩy mạnh vai trò của HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm |
Hóa giải các điểm nghẽn
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Sơn, đánh giá: “Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, công tác đào tạo nghề của huyện cũng còn không ít khó khăn. Điển hình như đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn huyện còn thiếu; việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách còn hạn chế.
Công tác điều tra, khảo sát người lao động trong độ tuổi có nhu cầu tham gia học nghề chưa hoàn thiện, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT hàng năm chưa sát với thực tế nhu cầu học. Đào tạo nghề phi nông nghiệp chưa đa dạng, từ năm 2016 - 2018, hơn 90% chương trình đào tạo là nghề may công nghiệp.
Trước thực trạng trên, thời gian tới, huyện dự kiến tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề cho LĐNT nhằm đảm bảo tổ chức các lớp đào tạo nghề đúng quy định; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm sát đúng với nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn.
Tại các địa phương, đẩy mạnh vai trò của HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Sự tham gia của HTX, doanh nghiệp vừa tạo thêm môi trường để các học viên thực hành, nâng cao kinh nghiệm, vừa là cơ hội việc làm sau khi các khóa học kết thúc.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Sơn, toàn huyện hiện có 19 HTX, trong đó 17 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tổ chức tiêu thụ các loại sản phẩm chủ lực như lúa thương phẩm, nấm, mộc nhĩ, rau quả sạch…
Các HTX đang có hiệu quả cao, mang lại thu nhập bình quân 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng cho người lao động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động tại các địa phương.
Văn Nguyễn