Quảng Ninh đang hình thành một mạng lưới đào tạo nghề đa dạng |
Hình thành mạng lưới
Số liệu thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay, toàn tỉnh có trên 40 đơn vị tham gia hoạt động đào tạo nghề, trong đó có 32 cơ sở công lập và hơn 10 cơ sở thuộc doanh nghiệp, HTX, góp phần hình thành một mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đa dạng.
Để triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2020, tỉnh đang đẩy mạnh hoàn thiện, liên kết các cơ sở để cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, cơ cấu nghề, trình độ đào tạo và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người lao động.
Cụ thể, đến hết năm 2020, tỉnh phấn đấu đào tạo mới, đào tạo lại cho khoảng 170 nghìn người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 30%, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chiếm 50%, chuyển đổi nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ chiếm 20%.
Về cơ cấu nghề đào tạo, tỉnh định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, dịch vụ; đào tạo nghề theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...
Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho thanh niên, giảm tỷ lệ thất nghiệp..., bảo đảm số lao động qua đào tạo đạt 84 - 89%.
Với mục tiêu bình quân mỗi năm toàn tỉnh giới thiệu, tạo việc làm cho 15.700 lao động, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đặt hàng đào tạo với cơ sở đào tạo, cung cấp thông tin tuyển dụng đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm.
Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Quảng Ninh đang có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp, HTX |
Đẩy mạnh liên kết
Không chỉ có mạng lưới đa dạng, tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo tại Quảng Ninh cũng có tính liên kết mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững.
Những năm qua, Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho lao động nông thôn học nghề nông nghiệp.
Hầu hết các các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức đã kết nối với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân như HTX nông nghiệp Hồng Hải, HTX nông nghiệp Hà Tân bao tiêu sản phẩm trồng rau tại phường Hà Phong, TP Hạ Long.
Công ty TNHH MTV nông lâm ngư nghiệp Quảng Ninh bao tiêu sản phẩm cho các lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm; HTX nông lâm ngư nghiệp Thái An bao tiêu sản phẩm cho các lớp trồng cây ăn quả; công ty TNHH Ngọc Khánh VT bao tiêu sản phẩm cho các lớp nuôi tôm TP Móng Cái…
HTX Hà Tân đang là một điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn của tỉnh. HTX hiện có 64 hộ thành viên, 120 lao động, sản xuất trên diện tích hơn 13ha, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. HTX hoạt động trên 3 mảng dịch vụ chính, gồm thủy lợi nội đồng, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vi Tiến Hà – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Việc mở rộng liên kết trong dạy nghề, sản xuất, tiêu thụ giúp HTX nâng cao nội lực, đảm bảo hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động. Việc dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, HTX cũng là điều kiện bắt buộc để giải hết bài toán việc làm cho lao động nông thôn hiện nay”.
Mộc Miên