Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay, Việt Nam mới có 305 dự án đạt các chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này được đánh giá là khá khiêm tốn.
Lo ngại những rủi ro
Việc công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn ít là do các chủ đầu tư hiện nay vẫn còn nghi ngại về vấn đề gia tăng chi phí khiến khó cạnh tranh trên thị trường. Đi liền với đó là những lo ngại về rủi ro khi phát triển công trình xanh, vật liệu xanh. Bởi nhiều vật liệu xanh phải nhập khẩu khiến chi phí tăng, thời gian kéo dài dẫn đến tiến độ của dự án bị chậm lại. Một số vật liệu xanh là vật liệu mới, nhất là vật liệu có gốc sinh học chưa có kiểm chứng, đánh giá trên công trình cụ thể nên có thể gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng việc chờ đợi trong xin chứng chỉ vật liệu xanh, công trình xanh hay phải nhận sự từ chối với các bên hữu quan như các đối tác đối với những vật liệu mới chưa được kiểm chứng khiến việc sử dụng vật liệu xanh còn chưa được thuận lợi.
Những rủi ro mà các chủ đầu tư đưa ra khiến việc sử dụng vật liệu truyền thống vẫn còn cao ở Việt Nam. Ngay trong thị trường vật liệu xây dựng, việc sử dụng vật liệu gạch nung vẫn chiếm đến 42%. Tỷ lệ sử dụng cát và xi măng trộn tại công trường vẫn chiếm trên 60%.
Sử dụng vật liệu như cát, xi măng trộn tại công trình không bảo đảm công thức, phát sinh khí thải nhà kính. Điều này khiến các chủ đầu tư đối diện với những thách thức không nhỏ như nứt bề mặt công trình co ngót, bộp do mất bám dính, chất lượng bề mặt công trình không đều… Từ đó, các chủ đầu tư phải mất các chi phí bảo hành, sửa chữa cao.
Trả lời cho những lo lắng về vấn đề sử dụng vật liệu xanh khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư gia tăng chi phí tại hội thảo xu hướng phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam ngày 15/12, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Vilandco & VGBA, cho rằng chi phí vật liệu xanh thay đổi tùy theo mức độ chứng nhận, nhưng mức cao nhất cũng chỉ chiếm đến 10% tổng thể công trình. Còn nếu doanh nghiệp làm công trình xanh mà chi phí tăng cao thì cần phải xem xét đến các vấn đề khác, các công đoạn khác chứ không phải ở vật liệu xanh.
Điều này cho thấy, cách hiểu “sử dụng vật liệu xanh khiến chi phí xây dựng công trình” của các chủ đầu tư tăng là có phần công thức, lý thuyết và cũng là nguyên nhân cản trở quá trình phát triển công trình xanh ở Việt Nam.
Các công trình xanh với vật liệu xây dựng thân thiện môi trường giúp giảm phát thải khí nhà kính. |
Trong khi sử dụng vật liệu xanh có rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn như vật liệu gạch không nung không chỉ thân thiện với môi trường... mà còn giải quyết được vấn đề cách nhiệt, mang đến nhiều tính năng cho một công trình xây dựng trong thời kỳ hiện đại.
Ông Nguyễn Hải Anh, Giám đốc kỹ thuật Saint Gobain Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, nhu cầu con người di chuyển ra các khu đô thị ngày càng tăng. Điều này sẽ phát sinh về chỗ ăn chỗ ở và kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, năng lượng tăng.
Trong khi thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều vật liệu xây dựng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt, khan hiếm. Không đâu xa đó chính là cát xây dựng. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, mỗi năm, Việt Nam cần đến 130 triệu m3 cát trong đó khả năng khai thác chỉ là hơn 60 triệu m3/năm, đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu thực tế. Ngay tại thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đang thiếu cát xây dựng trầm trọng, dẫn tới tiến độ xây dựng các dự án lớn trên cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tăng, trong khi phát thải khí nhà kính từ các công trình xây dựng đang chiếm đến 40%. Điều này cho thấy, sử dụng vật liệu xanh là cần thiết để bảo đảm vấn đề môi trường cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xanh của nhiều người dân và tiến tới thực hiện Net Zero Energy.
Thống kê khí nhà kính còn bỏ ngỏ
Theo các chuyên gia, ở các nước hiện nay rất coi trọng đến việc sử dụng vật liệu xanh để xây dựng các công trình xanh. Ngay như ở Singapore, xây dựng công trình xanh là bắt buộc đối với 100% công trình. Chính vì vậy, để hướng đến Net Zero Energy, thì ngành xây dựng Việt Nam phải hạn chế tác động môi trường bằng các chứng chỉ xanh.
Bên cạnh đó, theo thống kê của các nhà khoa học, 70% cuộc đời của con người là sống trong nhà nên ở trong những ngôi nhà an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường đang nhận được sự quan tâm ngày càng cao của người dân trong thời kỳ kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng vật liệu xanh, công trình xanh có thể phát triển ở các thành phố nhưng lại gặp khó khăn đối với các vùng nông thôn, miền núi, nhất là đối với người dân có thu nhập thấp.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng hiện nay Nhà nước đã có Nghị quyết về hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở. Chính vì vậy những hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo có thể tận dụng nguồn hỗ trợ này kết hợp với nguồn hỗ trợ từ địa phương, các ban ngành đoàn thể, nhà hảo tâm để có thể tận dụng vật liệu tại địa phương như đất để làm gạch.
Hiện Đại học Xây dựng Hà Nội đã hỗ trợ người dân ở vùng miền núi sản xuất gạch làm từ đất là chính với máy móc đơn giản để xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, người dân có thể tận dụng các vật liệu tự nhiên như lá cọ, rơm… để làm mái, vừa thân thiện với môi trường, hạn chế chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, để phát triển công trình xanh, điều quan trọng nhất thời điểm này là Chính phủ cần có các giải pháp thúc đẩy các ngành liên quan cùng vào cuộc để mang lại hiệu quả đồng bộ. Bởi ngành xây dựng hiện được đánh giá là khá bảo thủ, chậm đổi mới trong sử dụng vật liệu xanh vì suy nghĩ liên quan đến phát sinh chi phí vẫn còn hằn sâu, từ đó ngành này luôn lấy đó là lý do và 'lảng tránh' với công trình xanh.
Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn hiện nay chính là thống kê phát thải khí nhà kính ở Việt Nam rất khó vì liên quan đến máy móc, thiết bị, công thức. Các số liệu về phát thải khí nhà kính hiện vẫn chưa được công khai, chưa cụ thể về phương pháp tính nên ngành xây dựng khó có thể tính toán được phát thải khí nhà kính một cách đúng đắn trong xây dựng.
Huyền Trang