Thị trường vật liệu xây dựng gồm một số ngành như xi măng, cát, thép, gạch, đá, vôi… Là một trong những doanh nghiệp trong lĩnh vực này, mới đây Tổng công ty Xi măng Việt Nam cũng cho biết dù rất cố gắng nhưng doanh nghiệp này không thể hoàn thành được mục tiêu năm 2023 khi chỉ đạt 86,6% so với kế hoạch năm 2023 và 77,2% so với năm 2022.
Sức cầu yếu
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết dù lượng sản xuất thép của đơn vị này tháng 12/2023 đã tăng nhưng thực chất, tăng không cao. Trong đó, tập đoàn này đã sản xuất 648.000 tấn thép thô, chỉ tăng 4% so với tháng trước. Tiêu thụ các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng và phôi thép đạt 760.000 tấn, chỉ tăng 7% so với tháng 11.
Đại diện một doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP Hà Nội, cho biết nếu như những năm trước, đơn vị này lúc nào cũng phải tuyển thêm hàng chục lao động để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện công trình xây dựng của người dân và doanh nghiệp thì năm nay, công việc cũng chỉ “thủng thẳng”. Trong khi, ngành cơ khí phải đầu tư máy móc, thiết bị với chi phí lớn nên nếu không có đơn hàng, nhu cầu thị trường không cao thì sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị đình trệ.
Việc các ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa bứt phá được dù vào cao điểm mùa xây dựng được cho là thị trường bất động sản không khởi sắc. Từ các dự án đầu tư công đến xây dựng dân dụng đều giảm nhu cầu.
Thị trường bất động sản chưa khởi sắc kéo theo sự ảm đạm của ngành vật liệu xây dựng. |
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết nhu cầu tiêu thụ chưa mạnh mẽ các loại vật liệu xây dựng là do thị trường bất động sản được dự báo phải đến giữa và cuối năm 2024 mới hồi phục, trong khi bất động sản được coi là đầu ra của ngành vật liệu xây dựng. Khi bất động suy giảm, đồng nghĩa với việc chưa kích cầu cũng như chưa tác động tích cực đến phát triển sản xuất ở ngành vật liệu xây dựng.
Thực tế cho thấy, chỉ có một số dự án của Nhà nước đang được triển khai để đáp ứng tiến độ, còn lại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở được các chuyên gia cho rằng giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái do tình hình kinh tế khó khăn, người dân, doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, tình hình bất động sản được cho là vẫn bị lệch pha về cung cầu nên nhu cầu xây dựng chưa cao.
Dù đầu ra của các loại vật liệu xây dựng chưa được rộng mở nhưng có một điều mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lo lắng là giá một số loại vật liệu xây dựng liên tục nhảy múa, thậm chí tăng cao làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giảm cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Vận tải xây dựng và Thương mại Đại Dương (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào giá cát cũng tăng do thiếu hụt nguồn cung. Ngay thời điểm cuối năm, cát được coi là vàng bởi vẫn rất khan hiếm trong khi hiện có nhiều người tham gia kinh doanh lĩnh vực này nên khả năng cạnh tranh, kết nối và giữ được nguồn khách hàng của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Tìm cách thoát khó
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, lĩnh vực vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi mỗi năm đóng góp khoảng 6,5-7% GDP cả nước. Nhưng do kinh tế và thị trường bất động sản chưa hồi phục nên kéo theo sự khó khăn của ngành hàng này. Chính vì vậy, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại vật liệu xây dựng giảm sâu, hàng tồn kho ngày càng tăng cao.
Chẳng hạn như mặt hàng gạch ốp lát, thống kê cho thấy, sản lượng năm 2023 đạt khoảng 386 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ ở mức 291 triệu m2, giảm 25% so với năm trước. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi năm 2023 đạt 2,5 triệu tấn, giảm 2,5%. Đối với sản xuất xi măng, hiện đã có 8 dây chuyền dừng hoạt động trên cả nước…
Trước khó khăn này, có ý kiến cho rằng ngành hàng này có thể xem xét đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng tiềm năng, tăng cơ hội. Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VietGo cho rằng mặt hàng vật liệu có những khó khăn về trọng lượng khi xuất khẩu những thực tế thì cơ hội từ các thị trường nước ngoài là không nhỏ.
Chằng hạn như mới đây, Nhật Bản chịu tác động từ các trận động đất nên hiện họ rất cần tái thiết đất nước nên một số nguồn hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường này.
“Nhật Bản chỉ là một ví dụ, nếu nắm bắt tốt nhu cầu từ các nước và tìm cách xuất khẩu những hàng vật liệu xây dựng mà các nước đang cần thì lợi ích sẽ là rất tốt cho các bên”, ông Việt chia sẻ và cho rằng, thế giới luôn có những nhu cầu nhất định về các mặt hàng, trong đó có vật liệu xây dựng. Điều quan trọng là doanh nghiệp ngành này cần tìm ra và cần có sự hỗ trợ, định hướng từ các ngành liên quan để nắm bắt các cơ hội.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng thì phải làm sao để ngành xây dựng, bất động sản phát triển. Trong khi các quy định pháp luật, trong đó có Luật Đất đai chưa được hoàn thiện đang làm khó cho ngành bất động sản.
Chính vì vậy theo vị này, ngoài nhanh chóng hoàn thiện Luật Đất đai thì cũng cần hoàn thiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi… nhằm tạo cơ chế thống thoáng cho ngành bất động sản đi lên, từ đó thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng.
“Cơ quan quản lý cần tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho thị trường bất động sản, từ đó mở cửa cho những dự án đang triển khai dở dang ở giai đoạn trước và thúc đẩy ngành nghề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này là vật liệu xây dựng”, ông Tuấn cho biết.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng nhóm ngành vật liệu xây dựng từ Công ty Chứng khoán MBS, cho thấy trong năm 2024, mức độ tăng trưởng của ngành hàng này là 40% và đến 2025 là 46%. Tuy nhiên, điểm rơi lợi nhuận của thị trường này chủ yếu sẽ vào quý III và quý IV của năm 2024 do nền thấp của năm 2023 (-32%).
Điều này cho thấy, động lực tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng trong năm 2024 là có nhưng sẽ đến muộn nên rất cần nhiều giải pháp đồng bộ để giúp ngành hàng này thoát khó, từ đó đóng góp vào nền kinh tế nói chung.
Tùng Lâm