Một trong những thủ phạm gây biến đổi khí hậu là các công trình xây dựng. Hiện nay, các công trình này chiếm khoảng 40% năng lượng được tiêu thụ trên toàn cầu, trong đó, cao ốc văn phòng là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn nhiều năng lượng. Trước tình hình đó, công trình xanh là một trong những loại hình được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và bắt đầu được để ý đến tại Việt Nam. Mặc dù chi phí xây dựng ban đầu cho công trình có tăng lên, nhưng lợi nhuận thu được sẽ gấp 3 - 4 lần với tỷ lệ năng lượng tiết kiệm được.
Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Xây dựng, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng hiện chiếm khoảng 20-24% tổng năng lượng quốc gia. Ông Nguyễn Công Thịnh, chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết: "Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam tương đối lớn ở các công trình xây dựng mới và các công trình đang sử dụng hoặc sắp cải tạo".
Tiêu chí "xanh" của LOTUS
Đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao… thì có thể tiết kiệm 30 - 40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Ngay cả các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng thì cũng có thể tiết kiệm năng lượng từ 15 - 25%.
Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) có trụ sở ở Hà Nội đã chính thức công bố công cụ đánh giá công trình xanh LOTUS cho công trình phi dân dụng áp dụng thí điểm vào một số công trình. Đây là công cụ đưa ra những tiêu chuẩn và đường tiêu chuẩn cho các công trình xanh để đánh giá một cách khách quan một công trình có thực sự "xanh" hay không. Các dự án xây dựng sẽ được chấm điểm theo các tiêu chí xanh mà công trình đạt được theo đúng tiêu chuẩn đề ra. Sau khi tính toán, tổng số điểm đạt được sẽ được công bố cùng mức đánh giá mà công trình đạt được. Dựa theo mức đánh giá này, công trình sẽ được chứng nhận tương ứng. Hệ thống đánh giá LOTUS là hệ thống đầu tiên của Việt Nam được áp dụng cho việc chứng nhận các công trình xanh.
Ông Darren ODea, Quản lý công cụ đánh giá LOTUS (VGBC), cho biết: "Đơn cử như việc đánh giá tiêu chí tiết kiệm năng lượng của công trình, LOTUS có 9 điều khoản với tổng 34 điểm được chấm theo nhiều mức độ. Ví dụ tại Khoản E-1 đánh giá tổng sử dụng năng lượng trong công trình (kWh/m2/năm). Nếu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng toàn công trình so với mô hình cơ sở là đạt chuẩn bắt buộc, 15% được 3 điểm, 20% là 9 điểm, 25% được 15 điểm…".
Hệ thống chứng nhận LOTUS có điểm chung là có thể đảm bảo mức độ chất lượng có thể đoán trước được. Khách hàng chuyển tới công trình xanh có thể hy vọng một mức độ chắc chắn về chất lượng môi trường bên trong. Họ có thể hy vọng chi trả thấp hơn mức trung bình trên thị trường cho sử dụng năng lượng, nước và có thể đáp ứng được sự ủy thác của doanh nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm, chất thải… đóng góp cho môi trường bền vững.
Giám đốc VGBC, Yannick Millet, khẳng định: "Người Việt Nam nhận thức rất rõ về các vấn đề đô thị như ô nhiễm và họ muốn có môi trường lành mạnh. Những người giàu sẵn sàng chi trả để được hưởng thụ cuộc sống đó nên các công trình xanh "hạng A" được coi là dẫn đầu thị trường, và xu hướng những công trình sau này sẽ tận dụng nhu cầu đó hơn nữa. Không chỉ vậy, những công trình xanh cũng có mức giá cho thuê cao hơn. Ví dụ như Burnham-Moores Center tại Sandiego (Mỹ) có mức thuê 30,54USD/m2 so với mức trung bình của thị trường là 27USD/m2".
Nhiều ưu điểm nhưng không dễ thực hiện
Có một số dự án phát triển theo xu hướng xanh như tòa cao ốc văn phòng CentrePoint tại Tp. HCM, được thiết kế theo tiêu chuẩn Green Star của Australia (dự án không được công nhận đạt tiêu chuẩn Green Star vì Hội đồng Xanh Úc không cấp chứng chỉ này cho các dự án bên ngoài nước Úc). Dự án CentrePoint được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2009. Theo chủ đầu tư, CentrePoint được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm tối đa lượng điện năng tiêu thụ, ứng dụng giải pháp kiến trúc giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường và giảm lượng khí thải CO2 khoảng 20% so với các tòa nhà có cùng diện tích. 80% diện tích tòa nhà tiếp nhận được ánh sáng tự nhiên.
Một cao ốc theo xu hướng xanh khác ở Tp. HCM là Vincom Center. Theo công ty cổ phần Vincom, chủ đầu tư dự án, Vincom Center được thiết kế để có thể tận dụng các không gian xanh trong và ngoài tòa nhà. Các công trình thuộc Vincom Center đều được sử dụng kính Low-E, giúp các văn phòng giảm được chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng và bảo đảm sức khỏe cho nhân viên trong những ngày nắng nóng.
VGBC cho biết đang tiến hành một số dự án xanh thí điểm. Trong đó, tòa nhà xanh của Liên hiệp quốc tại Hà Nội sẽ là dự án đầu tiên đạt tiêu chuẩn LOTUS. Ngoài ra, còn có dự án tòa nhà Sở Khoa học và Công nghệ Tp. HCM, tòa nhà Trường Sơn (Tp. HCM)… Tuy nhiên, ngay các chuyên gia của VGBC cũng nhận định để thực hiện một dự án như vậy sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề vốn đầu tư.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, nhà đầu tư phải xác định có thể chấp nhận thời gian hoàn vốn là bao lâu, nếu chỉ 6 tháng đến 1 năm thì nên quyết định chọn những mức chứng nhận thấp hơn. Nếu tới 4 năm thì có thể chọn mức chứng nhận cao hơn bởi mức chứng nhận càng cao (dựa vào thang điểm) thì sự hoàn trả càng lớn theo thời gian. Chi phí xây dựng không nhất thiết cao hơn nhiều so với bình thường nhưng có thể xảy ra nếu công trình được thiết kế bởi đội ngũ thiếu kinh nghiệm mà không hiểu làm thế nào để có được tổng thể giá trị cao nhất nhưng chi phí thấp nhất.
Hầu hết các hệ thống chứng nhận hiện nay cho phép các công trình được chứng nhận một lần (vĩnh viễn), nhưng LOTUS sẽ yêu cầu chứng nhận lại và yêu cầu phải bảo dưỡng và có thể phải đầu tư thêm. Điều này nhìn chung được coi là lợi ích giống như là kiểm tra sức khỏe hàng năm nhưng cũng có thể là bất lợi nếu như các chủ dự án chỉ muốn có được danh hiệu mà không quan tâm đến các khoản tiết kiệm thu được trong tương lai từ chi phí vận hành.
Dương Phương Hoa