Bên cạnh hai cái tên đang “xưng bá” thị trường là Bình Minh và Tiền Phong, ngành nhựa xây dựng Việt Nam còn có sự hiện diện của hàng loạt "đại gia" lắm tiền nhiều của, sẵn sàng chiếm lĩnh thị phần, như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành, Đạt Hòa, Đệ Nhất...
Tăng trưởng ổn định
Một diễn biến đáng chú ý là trong bối cảnh hầu hết các ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang quay cuồng trong bão giá, thì ngành nhựa lại đang thể hiện sự thích nghi rất tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Điển hình, “ông lớn” dẫn đầu ngành nhựa xây dựng miền Nam là Nhựa Bình Minh công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 ghi nhận doanh thu đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 7,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 145,24 tỷ đồng, tăng 247,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,9% lên 25,1%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 2.904 tỷ đồng, tăng 11,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 272,7 tỷ đồng, tăng 116,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 448 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành được 60,9% kế hoạch chỉ trong nửa đầu năm.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp (cùng phân khúc sản phẩm ống nhựa) với Nhựa Bình Minh là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2022, khi ghi nhận doanh thu tăng 38% đạt 1.717 tỷ đồng. Biên lợi nhuận 29,3%, tăng mạnh so với mức 19,9% quý II/2021.
Ngành nhựa xây dựng đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tên tuổi cũ và các đối thủ đến sau. |
Nếu Nhựa Bình Minh thống trị thị trường miền Nam thì Nhựa Tiền Phong đang dẫn đầu thị trường phía Bắc. Hai đối thủ cân tài cân sức này trở thành “đại kình địch” của nhau trong nhiều năm qua và hiện vẫn chiếm khoảng 60% thị phần nhựa xây dựng cả nước (mỗi bên nắm giữ khoảng 30%).
Dù đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, song các doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang đối diện không ít khó khăn. Giá nguyên liệu chủ chốt tiếp tục tăng cao, đặt các doanh nghiệp ngành nhựa trước bài toán vô cùng khó giải.
Trước diễn biến bất lợi từ thị trường, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, đơn vị đã đề ra hai giải pháp: kiểm soát chi phí đầu vào; chuyển giá cho người mua (điều chỉnh giá bán).
Cạnh tranh khốc liệt
Chi phí đầu vào rõ ràng là một bài toán không dễ giải với mọi ngành nghề, nhưng áp lực cạnh tranh mới là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp nhựa trong những năm tới. Nếu trước đây, thị trường chỉ là cuộc đua song mã giữa Tiền Phong và Bình Minh, thì nay hàng loạt tên tuổi lớn đã có mặt và sẵn sàng “soán ngôi”.
Số liệu dẫn từ báo cáo thường niên 2021 của Nhựa Tiền Phong cho hay, toàn lãnh thổ Việt Nam đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động, trong đó có 24% (tương đương 720) doanh nghiệp nhựa xây dựng.
Nếu bỏ qua những doanh nghiệp nhỏ, thì các "đại gia" giàu tiềm lực như Hoa Sen hay Tân Á Đại Thành đều là những đối thủ đến sau rất đáng gờm và đang cho thấy sự vươn mình mạnh mẽ, "phả hơi nóng" vào hai tên tuổi đang dẫn đầu thị trường.
Các đối thủ “mới nổi” đang gia tăng cạnh tranh bằng chiến lược giá bán thấp và chính sách chiết khấu cho đại lý hấp dẫn hơn. Điển hình như Hoa Sen và Tân Á Đại Thành đang tập trung vào mảng ống nhựa dân dụng như ống uPVC và ống PPR với chi phí đầu tư cho công nghệ và máy móc rất rẻ.
Đơn cử, với sản phẩm ống nhựa phổ thông uPVC, Hoa Sen áp dụng tỷ lệ chiết khấu cho đại lý 35-40%, so với Bình Minh và Tiền Phong chỉ 14-18%. Với sản phẩm ống nhựa dân dụng cao cấp PPR, tỷ lệ chiết khấu của Hoa Sen cho đại lý là 67-69%, cao hơn chục điểm % so với đối thủ.
Và thực tế chứng minh, các chiến lược mới theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đang mang lại hiệu quả rất khả quan cho các doanh nghiệp đến sau. Minh chứng là chỉ vài tháng sau khi tiến ra Bắc, ống nhựa Hoa Sen đã phủ tới hàng trăm đại lý phân phối, bán lẻ, cung ứng cho thị trường Hà Nội và toàn miền. Còn tại thị trường miền Nam, Hoa Sen vươn lên thứ 2 về thị phần, chỉ đứng sau Nhựa Bình Minh.
Trong các báo cáo thường niên, Nhựa Tiền Phong cũng thừa nhận bên cạnh Nhựa Bình Minh đang mở rộng thị phần ra phía Bắc, thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp đến sau khác như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành…
Cùng với áp lực giữ thị phần, sản phẩm nhựa xây dựng với nhược điểm là cồng kềnh, khó vận chuyển nên ít vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, thay vào đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “nhòm ngó” thị trường Việt Nam qua kênh M&A. Minh chứng là một trong hai "ông lớn" dẫn đầu ngành nhựa xây dựng là Bình Minh đã bị thâu tóm bởi "đại gia" Thái Lan SCG cách đây hơn 3 năm.
Có thể thấy, ngành nhựa xây dựng Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để bứt lên cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cùng những rủi ro từ bên ngoài, các yếu tố chủ quan và khách quan, cũng đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần linh hoạt thích ứng để giữ thị phần và tăng trưởng.
Hưng Nguyên