Ông Kim Je Young, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), cho biết doanh nghiệp (DN) này đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Việt Nam từ cách đây hai năm và chuyên sản xuất bột đậu nành lên men.
Hiện nay, công ty CJ nhập khẩu (NK) nguyên liệu khô dầu đậu nành để sản xuất bột đậu nành lên men bán tại thị trường TĂCN Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Nguyên liệu gánh thuế nặng hơn?
Theo ông Young, khi nhập nguyên liệu để sản xuất phải chịu thuế NK 2%, trong khi các doanh nghiệp (DN) cùng cạnh tranh trong lĩnh vực này xuất khẩu thành phẩm vào Việt Nam có thuế suất 0%.
"Điều này dẫn đến việc chúng tôi có nhà xưởng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tại Việt Nam nhưng lại có sức cạnh tranh về giá cả kém hơn so với những DN bán thẳng thành phẩm vào Việt Nam", ông Young nói.
Theo kiến nghị của ông Young với Bộ Tài chính, cần xem xét điều chỉnh thuế suất NK bột đậu nành lên men ít nhất là bằng hoặc hơn mức thuế mà DN này đang phải nộp cho việc nhập nguyên liệu khô dầu đậu nành.
Cũng theo ông Young, chỉ có như vậy mới có thể tạo tính cạnh tranh về giá cả hơn cho các DN trong ngành TĂCN đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo môi trường sản xuất kinh doanh cho các DN sản xuất kinh doanh trong cùng một nhóm ngành.
Nếu mức thuế suất NK 2% được áp dụng cho bột đậu nành lên men, hàng năm ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 1,3 triệu USD.
Phản hồi về việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK, thuế suất nguyên liệu NK thấp hơn thuế suất nguyên liệu thành phẩm, trong khi DN lại phản ánh thuế suất thành phẩm là 0%, thuế suất nguyên liệu đầu vào là 2%.
Vì vậy, công ty CJ Việt Nam nên có văn bản cụ thể gửi lên Bộ Tài chính, bộ sẽ nghiên cứu trong quá trình rà soát để sửa đổi Nghị định 102 về biểu thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) cũng như các biểu thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Nhận được câu trả lời này, ông Kim Je Young cho biết việc sản xuất TĂCN và sản xuất nguyên liệu cho TĂCN là rất quan trọng, những DN tham gia trong lĩnh vực này đang gặp những bất cập về thuế suất, vì vậy nên có hướng xử lý kịp thời để DN có thể sản xuất và tạo ra tính cạnh tranh với các DN khác, cũng như giúp giá thành được tốt hơn cho người chăn nuôi.
Thị trường TĂCN của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10 – 15%/năm. |
Cần thị trường lành mạnh
Thị trường TĂCN của Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài trước tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 10 – 15%/năm.
Hiện tại, nhu cầu TĂCN của Việt Nam vào khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25 – 26 triệu tấn/năm với trị giá hàng chục tỷ USD.
Trong khi đó, một thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy cả nước có khoảng 220 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp, với tổng công suất ước đạt hơn 31 triệu tấn/năm, cao hơn so với nhu cầu sử dụng đến năm 2020 (25 triệu tấn).
Không chỉ nguồn cung đã vượt cầu, một nghịch lý xảy ra nhiều năm qua là dù một nước sản xuất nông nghiệp có thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu gạo và các nông sản nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khối lượng TĂCN tương đối lớn, giá TĂCN ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi gặp khó khăn.
Theo thống kê, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới chuyên gia cho rằng ngành TĂCN Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK. Trong năm nay, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm TĂCN, bao gồm TĂCN công nghiệp, là từ nguồn NK. Dự báo trong năm 2019, 76% tổng lượng nguyên liệu thô là nguồn NK khi ngành TĂCN tiếp tục tăng trưởng tốt.
Nguyên liệu thô NK bao gồm bột đậu tương, ngô, các loại bột ngũ cốc và cám khác từ cùi dừa, hạt cải, cám gạo, các protein động vật như bột thịt và bột xương (MBM) và bột cá…
Việc phải chi quá nhiều ngoại tệ để NK nguyên liệu TĂCN đã khiến thâm hụt thương mại của ngành chăn nuôi ngày càng trầm trọng. Hiện, ngành chăn nuôi nhập siêu 1,9 tỷ USD (số liệu tính đến tháng 7/2018).
Nếu nhìn vào bất cập chính sách thuế với nguyên liệu TĂCN như phản ánh của công ty CJ Việt Nam, Bộ Tài chính cần lưu tâm để thị trường TĂCN được cạnh tranh lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Thanh Loan