Theo Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 8 này, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu (NK) đến hơn 1,1 triệu tấn đậu tương, với trị giá kim ngạch trên 485 triệu USD. Đồng thời, cả nước cũng nhập gần 5,74 triệu tấn ngô, tổng trị giá kim ngạch gần 1,17 tỷ USD, tương đương khoảng 21.000 tấn/ngày.
Chi tỷ đô nhập ngô, đậu tương
Đậu tương và ngô là hai nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Trong đó, sản lượng ngô NK từ Argentina chiếm tới gần 51% tổng sản lượng NK ngô của Việt Nam. Điều đáng nói, 100% ngô dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ nguồn NK.
Bên cạnh NK ngô, đậu tương, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam cũng chi hơn 2,33 tỷ USD NK TĂCN và các loại nguyên liệu liên quan khác.
Như đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), NK nông nghiệp của Việt Nam tăng mạnh trong một số năm gần đây, chủ yếu gồm: Các loại hàng hóa và nguyên vật liệu mà Việt Nam chưa thể sản xuất được (ví dụ lúa mỳ) hoặc Việt Nam có thể sản xuất được nhưng không phải là nhà sản xuất cạnh tranh (ví dụ bông, khô đậu nành, đường, thịt bò).
WB nhấn mạnh đến các sản phẩm mà sản xuất trong nước không theo kịp nhu cầu (ví dụ sữa, TĂCN, nguyên liệu làm TĂCN).
Còn theo dự báo của OECD/FAO, ngũ cốc sẽ vẫn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, đạt mức 390 triệu tấn vào năm 2024, chủ yếu do nhu cầu sản xuất TĂCN tăng (chiếm 70% ngũ cốc thô, gồm các loại ngũ cốc không phải gạo và lúa mỳ).
Các tổ chức này cho rằng do cầu về thịt và thâm canh trong chăn nuôi tăng mạnh nên cầu về khô đậu tương dùng làm TĂCN cũng tăng, nhất là khi nhiều nước không còn cách nào khác ngoài TĂCN NK hạt có dầu để thỏa mãn nhu cầu.
Và theo dự đoán, ở ASEAN, Việt Nam cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ tăng mạnh NK khô đậu tương. Cạnh tranh NK dự kiến cũng sẽ đến từ Bắc Mỹ và Trung Đông và Nam Mỹ, trừ Brazil và Argentina.
Trong khi đó, số liệu từ cách đây 4 năm cho thấy diện tích trồng đậu nành của cả nước là 125.000ha, sản lượng là 195.000 tấn. Sản lượng này, theo giới chuyên gia là không đủ làm thực phẩm cho người nên muốn làm TĂCN thì phải NK.
Trên thực tế, để sản xuất TĂCN phải sử dụng thức ăn giàu đạm như khô dầu, bột xương, đậu tương hạt và nhóm thức ăn giàu năng lượng như bắp hạt, lúa mỳ, cám mỳ, cám gạo trích ly… Thế nhưng, hầu hết các mặt hàng này ngành nông nghiệp trong nước chưa sản xuất được.
Đậu nành và ngô là hai mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu và khả năng mở rộng diện tích, tăng sản lượng là rất khó nên phải phụ thuộc vào NK là điều không tránh khỏi.
Dù có trồng ngô nhưng Việt Nam vẫn phải nhập nhiều ngô |
Bao giờ giảm nhập?
Việt Nam đang phát triển diện tích trồng ngô khá lớn, khoảng 1-1,2 triệu ha, nhưng do địa hình khó khăn, điều kiện canh tác còn lạc hậu, ứng dụng khoa học-công nghệ và tỷ lệ cơ giới hóa thấp, dẫn tới năng suất trung bình còn khá thấp, chỉ ở mức 4,6 tấn/ha.
Khoảng 10-20 năm tới, nhu cầu về TĂCN tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu NK ngô cũng theo đà đi lên do lượng sản xuất trong khi cả nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất và chế biến.
Trong khi đó, do phụ thuộc nguồn nguyên liệu TĂCN NK, nên hồi tháng 4/2018, giá TĂCN có chiều hướng đi lên. Theo các nhà máy sản xuất TĂCN, nguyên nhân giá TĂCN tăng là do giá nguyên liệu tăng.
Nguyên liệu sản xuất TĂCN NK cách đây vài tháng cho thấy tăng giá liên tục, từ 165 USD/tấn lên 185 USD và gần đây tăng lên 230 USD/tấn. Đặc biệt, bã đậu nành NK năm 2016 là 300 USD/ tấn, năm 2017 tiếp tục lên 350 USD và năm 2018 lên tiếp 465 USD/tấn. Các loại cám gạo dùng làm nguyên liệu TĂCN lên đến 5.600 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với năm trước.
Trước sức ép tăng giá nguyên liệu, có những thời điểm các nhà máy buộc phải điều chỉnh tăng giá TĂCN. Trong khi đó, TĂCN lại chiếm tới hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Giá TĂCN tăng sẽ khiến giá thực phẩm tăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, với điều kiện hiện tại, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt ngô nội tại, bên cạnh việc thất thoát ngoại tệ, về lâu dài, Việt Nam có thể còn rơi vào tình trạng "lệ thuộc" vào ngô NK.
Để tránh phụ thuộc NK ngô, có ý kiến cho rằng trong hai năm tới, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 700.000- 800.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác, trong đó ngô là cây chủ lực.
Cần phải thấy, lúa vẫn là cây trồng chính. Tuy sản lượng lúa gạo tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng không cao, cả trong khâu sản xuất và chế biến, cả giá trị tuyệt đối cũng như tương đối.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy việc mở rộng diện tích trồng ngô vẫn còn rất nhiều "điểm nghẽn". Muốn tạo ra đột phá, các cánh đồng ngô cần phải được sắp xếp lại. Việc cải thiện giống là quan trọng nhưng cơ giới hóa và tổ chức cánh đồng lớn mới là khâu quyết định. Nên nhớ, khi chuỗi giá trị trong nước bị thay thế bởi hàng NK, trong đó có nguồn nguyên liệu TĂCN thì sẽ rất khó để ngành nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để có thể thay thế nguyên liệu NK.
Thanh Loan