Thức ăn chăn nuôi tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân |
Tăng mạnh nhất là giá khoai mì, đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên 6.200-6.300 đồng/kg. Cho dù giá tăng cao nhưng sản lượng khoai mì không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên các nhà máy phải tìm thêm nguồn nguyên liệu khác thay thế. Tương tự, giá nguyên liệu bắp cũng tăng mạnh từ 5.000 lên 6.400 đồng/kg.
Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất thức ăn nhập khẩu cũng tăng giá liên tục, từ 165 USD/tấn lên 185 USD và gần đây tăng lên 230 USD. Đặc biệt, bã đậu nành nhập khẩu năm 2016 là 300 USD/tấn, 2017 tiếp tục lên 350 USD và năm nay lên tiếp 465 USD. Các loại cám gạo dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện lên đến 5.600 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với năm trước.
Trước sức ép tăng giá nguyên liệu, từ đầu năm đến nay, các nhà máy buộc phải điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm khoảng vài trăm đồng/kg. Mức tăng được cho là khá nhẹ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, để tránh bị lỗ do giá nguyên liệu đang tăng cao, sắp tới các nhà máy sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán tăng với mức hợp lý.
Với ngành chăn nuôi, dù giá thức ăn tăng trong thời gian qua nhưng nhờ thương lái tăng cường thu gom lợn xuất bán sang Campuchia để đáp ứng nhu cầu Tết ở nước này nên giá lợn hơi tại các trại chăn nuôi ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng lên 36.000-37.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi vài ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên trong thời gian tới, khi nhu cầu ở Campuchia giảm, heo hơi có thể về lại quanh mức 30.000 đồng/kg, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng trong thời gian dài có thể đẩy người nuôi đến phá sản nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, thức ăn chăn nuôi hiện chiếm tới hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ khiến giá thực phẩm tăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
NY