Các doanh nghiệp cho hay sức ép cạnh tranh không chỉ gia tăng từ các thương hiệu quốc tế, mà còn cạnh tranh với thời trang xuyên biên giới từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và cạnh tranh lẫn nhau.
Mất dần vị thế trên “sân nhà”
Có thể xem năm 2010 là cột mốc của thời trang nội địa khi các thương hiệu Việt dồn dập ra đời và chiếm lĩnh thị trường. Nhiều tên tuổi ghi dấu trên thị trường, hiện diện tại nhiều tuyến phố sầm uất và các con đường thời trang tại Hà Nội, TP.HCM cũng như các tỉnh, thành lân cận như: Ninomaxx, Foci, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Việt Thy, Ha Gattini, PT2000 (cho giới trẻ), N&M, Nem, Elise, IVY moda (cho giới văn phòng), Maxx Style (bình dân)…
Thế nhưng, bối cảnh thời trang Việt lúc này đã không còn như trước. Nhiều cái tên ở trên đã “mất hút” hoặc thu hẹp quy mô nhỏ nhất có thể hay cũng đang loay hoay tồn tại.
Lep' - thương hiệu thời trang nữ nổi tiếng với những chiếc váy hoa nhí - chính thức rút khỏi thị trường sau 8 năm hoạt động khiến nhiều người tiếc nuối. |
Mới đây, thương hiệu thời trang Lep' thông báo sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 30/11 sau hành trình 8 năm và ghi dấu ấn với các thiết kế váy hoa nhí đậm chất "nàng thơ", nhẹ nhàng và nữ tính.
Trước đó, chuỗi cửa hàng thời trang Catsa với hơn 13 năm tuổi bất ngờ tuyên bố đóng cửa vào cuối tháng 8. Tương tự như Catsa, Lep', MIÊU - một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 vốn quen thuộc với giới trẻ Sài Gòn cũng "đóng cửa". Hay như IVY moda “khai tử” dòng IVY men sau 5 năm hoạt động.
Trong khi đó, một số thương hiệu khác phải thu hẹp quy mô kinh doanh như thời trang nam Giian cũng đóng 9 cửa hàng…
Theo khảo sát của VnBusiness, mùa mua sắm cuối năm đang diễn ra hình ảnh trái ngược tại thị trường thời trang Hà Nội. Trong khi các cửa hàng của Zara, UNIQLO nườm nượp khách hàng, thì gần đó, phố thời trang Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… với nhiều cửa hiệu của thời trang Việt lại đìu hiu khách.
Vậy, đâu là lý do các thương hiệu thời trang Việt dần co cụm và mất dần lợi thế trên sân nhà?
Theo các chuyên gia, cùng với sự bùng nổ của Internet, các xu hướng được cập nhật nhanh hơn, yêu cầu của người tiêu dùng cao hơn, không chỉ dừng lại ở các yêu cầu bền, đẹp mà còn là tính đa dạng, mới mẻ của sản phẩm và những trải nghiệm tại cửa hàng.
Thực tế là hàng loạt thương hiệu ngoại như Zara, H&M, UNIQLO... gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các công ty nhập khẩu thời trang hoặc chính thức đặt công ty tại Việt Nam. Bên cạnh đó các thương hiệu thời trang trực tuyến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Nổi bật trong số này phải kể đến Shein, Lane Crawford, Narcis... cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Xu hướng này đẩy các thương hiệu thời trang Việt vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Trong tâm thư ngày 14/11, CEO của thương hiệu Lep' Nguyễn Ngọc Trâm chia sẻ rằng lý do chính cho quyết định đóng cửa là "sức cùng lực kiệt" và không thể theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường thời trang. Bên cạnh đó, bà cũng mong muốn có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình.
Bà Nguyễn Thùy Linh Cát, sáng lập thương hiệu CATSA, chia sẻ một trong những lý do khiến bà quyết định phải đóng cửa 22 cửa hàng là vì không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.
Một yếu tố khác khiến thời trang Việt không đủ sức cạnh tranh đó là việc quản lý dòng tiền là cái bẫy tài chính mà các doanh nghiệp thời trang rất dễ rơi vào. Một khi đã vướng, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm chi phí, từ đó chất lượng sản phẩm và dịch vụ bị ảnh hưởng khiến thương hiệu trở nên kém hấp dẫn hơn đối với khách hàng.
Bà Phạm Thị Mai Son, CEO Maison RMI cho rằng, rất nhiều công ty mở rộng nhanh nhưng không chú ý đến khâu quản lý dòng tiền. Cứ như vậy, doanh nghiệp cầm chắc thất bại. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Lê Vũ Linh, CEO IVY moda, cho biết: “Doanh nghiệp vẫn có lãi nhưng dòng tiền ngày càng ít trở thành điểm yếu chí tử”.
Doanh nghiệp tìm cách “thoát hiểm”
Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”, các thương hiệu thời trang xoay xở tìm cách “thoát hiểm”. Gần đây, thời trang Việt có sự linh hoạt hơn trong việc áp dụng mô hình bán hàng thương mại điện tử qua các sàn, website và mạng xã hội như livestream Facebook hay TikTok Shop.
Theo Giám đốc nghiên cứu thị trường, Công ty Macromill Việt Nam Phạm Anh Tuấn, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những trải nghiệm mua sắm hiện đại với nhiều tiện ích, chi phí hợp lý hơn. Hay có thể nói, người tiêu dùng ngày càng thông minh khi chủ động chọn lọc những sản phẩm để tối đa lợi ích.
Nhận định của ông Tuấn cũng tương đồng với số liệu tại báo cáo thị trường sàn thương mại điện tử của Metric vừa công bố mới đây. Quý III/2024, ngành phụ kiện thời trang ghi nhận mức tăng 50,38%. Cũng theo phân tích của Metric các sản phẩm phân khúc giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường, phân khúc sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn 1⁄2 doanh số toàn thị trường, tăng 9% so với cùng kỳ 2023. “Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động”, báo cáo Metric cho hay.
Sự nhạy cảm về giá được cho là bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến hạn mức chi tiêu bị thu hẹp lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng thương hiệu cần đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, flashsale để nhận nhiều ưu đãi.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink nhận định: “Để thời trang Việt có thể bật lên trước làn sóng đổ bộ ồ ạt của thời trang ngoại, các thương hiệu cần củng cố nội lực gồm các khâu thiết kế, vận hành... vững mạnh và xây dựng được dấu ấn nhận diện riêng”.
Cũng phải đối mặt với giai đoạn vô cùng khó khăn khi doanh thu sụt giảm, ông Lê Thành Vân, người sáng lập Gumac, chia sẻ: đã trực tiếp tham gia vào việc duyệt mẫu sản phẩm, cùng với đội ngũ thiết kế khảo sát nhu cầu thực tế của khách hàng, để hiểu rõ hơn về sở thích, thị hiếu và nhu cầu mới của họ. “Khi mẫu mã thay đổi, đáp ứng xu hướng thời trang hiện đại, có nhiều khách hàng sau 2 năm không mua sắm được gì tại Gumac thì nay đã quay lại và ủng hộ rất nhiều”, ông Vân chia sẻ.
Thực tế là bên cạnh nhiều cái tên dần lùi vào dĩ vãng, thời trang Việt vẫn bật lên những thương hiệu trụ vững được như IVY moda, Canifa, Yody Fashion... Vì vậy, các chuyên gia vẫn bày tỏ niềm tin vào cơ hội cho thời trang Việt khi nhìn vào các yếu tố thượng tầng như tăng trưởng GDP, gia tăng tầng lớp trung lưu, cho đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp từ việc thay đổi phương thức bán hàng, bắt kịp xu hướng thời trang và cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm gia tăng sức cạnh tranh.
Minh chứng là trong khi nhiều thương hiệu đồng loạt rời khỏi thị trường thời trang, một số thương hiệu như FANCì Club hay L Soul, DATT, Das La Vie lại đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Điểm chung của các nhãn hàng này là khả năng nắm bắt xu hướng, đặc biệt là trào lưu Y2K, đáp ứng nhu cầu từ phía khách hàng trẻ.
Thanh Hoa