Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng đã chiếm 43% sản lượng TĂCN công nghiệp, Đông Nam Bộ chiếm 27%, Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 13%.
Như vậy, hai khu vực đồng bằng lớn ở hai miền chiếm tới 80% sản lượng TĂCN, còn lại 20% phân bổ ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sản lượng vượt nhu cầu năm 2030
Theo ông Dương, rõ ràng cơ cấu phân bổ nhà máy TĂCN rất không đều. Vì vậy, cần khuyến cáo các tỉnh hạn chế mở mới, đặc biệt ở các vùng có mật độ nhà máy cao.
Đặc biệt, theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2030, công suất các nhà máy TĂCN công nghiệp đạt khoảng 25 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 17 triệu tấn. Nhưng đến năm 2017, Cục Chăn nuôi cho biết cả nước đã có 218 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp, với tổng công suất thiết kế ước đạt hơn 31 triệu tấn/năm, cao hơn so với nhu cầu sử dụng đến năm 2030 (25 triệu tấn).
Tuy nhiên, người nông dân vẫn phải mua TĂCN với giá cao hơn từ 15 đến 20% so với các nước trong khu vực vì Việt Nam chưa tự chủ cung cấp được nguồn nguyên liệu, phần lớn vẫn phải nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 2/2018 đạt 244 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 581 triệu USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu.
Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện nay, Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp. Toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN, đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì.
Trong đó, sản xuất ngô trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, cho biết để giảm giá thành TĂCN, trước hết trong nước phải đáp ứng được nguồn nguyên liệu chế biến TĂCN do lâu nay phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu với đủ loại chi phí rất cao.
Trong đó, chỉ riêng chi phí vận chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về đến Việt Nam đã mất 60 – 100 USD/tấn, tùy khu vực. Về Việt Nam còn phải tốn chi phí lưu kho ở cảng, chi phí vận chuyển về nhà máy.
Vì vậy, các DN sản xuất TĂCN cho rằng để giảm được giá thành cần phải xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn cho ngành sản xuất TĂCN, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Người nông dân vẫn phải mua TĂCN với giá cao hơn từ 15 – 20% so với các nước trong khu vực
Giảm bớt nhập khẩu
Theo Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nhu cầu TĂCN của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 9 triệu tấn ngô và sản lượng trong nước vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, với quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu đối với ngô sẽ có xu hướng giảm. Tất cả các nhân tố trên sẽ tạo áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước.
Để tăng sức cạnh tranh, đại diện IPSARD cho rằng vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng sản xuất ngô, đồng thời tổ chức lại sản xuất – giảm bớt can thiệp của quá nhiều tác nhân trung gian tham gia vào chuỗi giá trị.
Đồng thời, phát triển mô hình tổ nhóm hợp tác xã kết nối trực tiếp với doanh nghiệp (DN) được đưa ra như một giải pháp quan trọng, trong đó nông dân liên kết sản xuất, DN trực tiếp hỗ trợ về phương diện giống, kỹ thuật canh tác và đảm bảo xử lý, bao tiêu sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, thống kê hiện nay cho thấy DN nước ngoài chỉ có khoảng 71 DN nhưng lại chiếm 65 – 70% thị phần TĂCN.
Không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, có sự hỗ trợ từ công ty mẹ, cùng nhiều năm kinh nghiệm, các nhà đầu tư nước ngoài còn có chiến lược khá bài bản trong việc chiếm lĩnh thị trường, nhất là đối với việc liên kết, bao tiêu sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối, bắt tay với người chăn nuôi.
Việc nắm, chi phối thị phần sẽ giúp các DN ngoại dễ dàng định giá và tăng giá TĂCN.
Thy Lê