Bộ NN&PTNT vừa công bố Quyết định 987 về việc phê duyệt đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Nhà_ nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra 770ha tập trung ở 3 vùng tại An Giang (huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và Tp. Long Xuyên) với tổng diện tích 350ha; 3 vùng tại Đồng Tháp (huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400ha. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 592 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước khi đề án được triển khai, nông dân “ngoài vùng quy hoạch” ở Long An đã tăng tốc, đào gần 1.000ha nuôi.
Đổ xô đi nuôi cá tra
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 4 chững giá ở mức cao, trung bình 28.000 – 30.000 đồng/kg, có nơi 31.000 – 32.000 đồng/kg do nguồn cung chưa có dấu hiệu tăng, trong khi nhu cầu vẫn cao.
Trong khoảng 18 tháng qua, giá cá tra gần như tăng liên tục. Mức giá 32.000 đồng/kg hiện nay đã cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước, chưa kể một số cá giống loại lớn lên tới 60.000 –70.000 đồng/kg, gấp trên 3 lần so với năm trước.
Đây là mức giá “có lời không cưỡng lại được”, khiến người nuôi ồ ạt đào ao thả cá. “Trung bình mỗi hécta nuôi cá tra nếu trúng có thể gấp 10 lần trồng lúa. Vụ rồi, gia đình tôi nuôi hơn 1ha cá tra giống bán giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg) lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện, gia đình tôi mở rộng diện tích lên 3,5ha”, bà Diệp Thị Ngươn, một trong gần 10 hộ nuôi cá tra giống ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, cho biết._
Nhiều địa phương ở ĐBSCL thả nuôi ồ ạt, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cá giống và đẩy giá cá giống lên mức cao.
Tính đến ngày 10/3, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng là 1.927ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng nuôi cá tra của ĐBSCL trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 373.400 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp 118.400 tấn (tăng 9%), An Giang 98.100 tấn (tăng 3%), Cần Thơ 13.200 tấn (tăng 18,3%).
Trong khi đó, giá cá hiện đang tăng, nhưng khi đạt đỉnh sẽ khiến người mua ngần ngại, thậm chí chậm mua hoặc ngưng mua. Lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa cá và hệ quả là giá cá tra sẽ rớt như trước đây.
Sản lượng nuôi cá tra của ĐBSCL trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 373.400 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ. |
Bài học cũ nhưng vẫn mới
Còn nhớ những năm 2013, thị trường cá tra cũng có những chuỗi tăng giá liên tục, người dân đổ xô đào ao nuôi cá, các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm sau mưa… không tuân theo quy hoạch và yếu tố thị trường giữa cung – cầu, dễ dẫn đến khủng hoảng thừa nguyên liệu, cá rớt giá khiến tất cả thua lỗ nặng nề. Các ngành chức năng buộc phải “kêu cứu” với Chính phủ nhằm hỗ trợ giải quyết lượng cá tra tồn đọng.
Tuy nhiên, với tâm lý kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chạy theo “đuôi thị trường”, dù đã trải qua những “bài học xương máu”, vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn đang dẫm lên vết xe đổ trước đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảnh báo việc phát triển nuôi cá tra tự phát, không theo quy hoạch sẽ dư cung, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch bệnh, môi trường, chính người dân sẽ bị thiệt hại lớn.
Ông Tám nói thêm: cá tra là sản phẩm quốc gia, các thị trường đang yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, phải đảm bảo theo chuỗi, đảm bảo các yêu cầu khắt khe, từ sản xuất giống, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ao nuôi, môi trường… nên khi tình trạng dư thừa cá tra xảy ra không thể dễ để tìm đầu ra trong xuất khẩu cá giống chưa qua kiểm định của người dân.
Hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất (vượt Mỹ và EU). Các chuyên gia cảnh báo việc người dân đổ xô nuôi cá ồ ạt, đang nhắm vào “giỏ” lớn nhất này sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là buôn bán biên mậu.
Cụ thể, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thương lái Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau vào tận ao đặt các hộ nuôi cá tra để xuất tiểu ngạch và không yêu cầu cao về mặt chất lượng, chủng loại. Nhiều cơ sở, địa phương có thể chưa nắm được thông tin cho rằng đó là yếu tố thuận lợi, nhưng thực ra Trung Quốc đang có nhiều chính sách “siết” chặt.
Như vậy, dù giá cá tra đang ở mức cao, nhưng lại đang là việc lo nhiều hơn mừng.
Tại nhiều tỉnh ĐBSCL, nhiều hộ nông dân vẫn đang tự ý đào ruộng lúa để nuôi cá tra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, thiệt hại, mà khi thất bại, người dân muốn trồng lúa lại là một chuyện hết sức khó khăn.
Trong khi đó, chính quyền cũng mới chỉ có thể dừng lại ở mức cảnh báo người dân và nặng hơn là xử phạt hành chính đối với những hộ nuôi tự phát này.
Bùi Phú