Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 3 đạt 17.950 tấn, trị giá 80,5 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung toàn quý I, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, sầu riêng tiếp tục là trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đóng góp 17% giá trị doanh thu toàn ngành rau quả.
Trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, sầu riêng tươi vẫn chiếm tới 90% tổng kim ngạch và sầu riêng đông lạnh chiếm 8,5%. Còn lại là tỷ trọng nhỏ các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như: Sầu riêng sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng…
Khách hàng lớn nhất của sầu riêng Việt Nam vẫn là thị trường Trung Quốc. |
Về tình hình giá cả, tính chung quý I, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Ghi nhận trong tháng 3, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.480 USD/tấn, giảm 5,1% so với tháng 2, Dù vậy, nhìn chung giá sầu riêng xuất khẩu tháng 3 vẫn rất cao, so với tháng 3/2023 vẫn tăng tới 13,8%.
Nguyên nhân được cho là vào mùa vụ, nguồn cung dồi dào, nước xuất khẩu sầu riêng số 1 thế giới là Thái Lan cũng bước vào vụ thu hoạch rộ khiến giá cả kéo giảm.
Xét theo thị trường tiêu thụ, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm tới 90% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Khối lượng xuất khẩu sang thị trường này trong quý I đạt 51.500 tấn, trị giá hơn 228 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 71% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là thị trường Thái Lan với kim ngạch đạt 18 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2023 và chiếm 7% thị phần.
Tại nhiều thị trường xuất khẩu sầu riêng khác của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao trong quý đầu năm như: Nhật Bản (tăng 83%); Hàn Quốc (tăng 61%); Bồ Đào Nha (tăng 71%); đặc biệt Hà Lan tăng tới 787,5%... Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Hồng Kông giảm 81,9%; Mỹ giảm 62,4%...
Xuất khẩu sầu riêng trong năm 2024 được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, đều đặn. Đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc khi tỷ trọng thị phần xuất khẩu sầu riêng Việt Nam tại thị trường này đã tăng từ mức 32% của năm 2023 lên mức 57% chỉ trong 2 tháng đầu năm nay…
Không chỉ vậy, Việt Nam hiện cũng đang nắm nhiều lợi thế hơn Thái Lan ở thị trường tỷ dân nhờ sản lượng dồi dào và rải vụ quanh năm (vụ sầu riêng tại Thái Lan chỉ kéo dài 4 tháng).
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt mã số cho 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam.
Mới đây, để đẩy nhanh quá trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu các địa phương rà soát vùng trồng, cơ sở chế biến.
Bích Tâm