Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Masan, tiết lộ rằng việc chuyển niêm yết cổ phiếu của Masan Consumer (MCH) từ sàn giao dịch UPCoM lên sàn HoSE là một phương án mà Masan Group đang cân nhắc, đồng thời hướng đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường quốc tế.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView) |
Ông Danny Lê, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, đã trình bày trước các cổ đông rằng quyết định IPO là một phương án để tối đa hóa giá trị của Masan Consumer, một trong những công ty con chủ chốt của tập đoàn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ và tài chính.
Một số nhà quan sát ước tính rằng việc niêm yết Masan Consumer có thể huy động được từ 1 tỷ USD đến 1,5 tỷ USD. Ông Lê cũng nêu rõ rằng phần lớn vốn huy động sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động của công ty ra thị trường quốc tế.
Trong năm ngoái, Masan Consumer đã thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới, đạt 7.195 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022. Qua đó, giúp mức EPS của cổ phiếu MCH cải thiện mạnh lên mức 9.888 đồng/cổ phiếu, so với mức 7.612 đồng/cổ phiếu của năm 2022.
Tính đến ngày 26/4, thị giá cổ phiếu MCH đạt 140.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hoá 99.961 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Masan Consumer Holdings - thành viên của Tập đoàn Masan đang chi phối 93,57% vốn cổ phần của Masan Consumer.
Kết thúc ngày 26/4, thị giá cổ phiếu MSN đạt 67.200 đồng/cổ phiếu. Theo mức định giá của HSBC, cổ phiếu MSN có triển vọng tăng giá (upside) lên đến gần 46%.
Ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Masan Consumer - cho biết mục tiêu mới của công ty là xây dựng 6 nhãn hàng lớn với doanh thu trên mỗi nhãn hiệu đạt 1 tỷ USD, bao gồm Chin-Su, Omachi, Cafe Wakeup 247, Vinacafe, Chanté, Tea 365. Tăng trưởng hàng năm trung bình của công ty gấp đôi so với thị trường.
Tổng giám đốc MCH cũng chỉ ra rằng hiện quy mô thị trường FMCG mà MCH đang phục vụ mới trị giá 8 tỷ USD, trong khi quy mô toàn thị trường tại Việt Nam lên tới 32 tỷ USD.
Tập đoàn Masan, được thành lập vào năm 1996, có một số thương hiệu đồ uống, gia vị và mì ăn liền hàng đầu Việt Nam trong số các sản phẩm của mình. Doanh thu của tập đoàn đã tăng 3% trong năm ngoái lên 78,25 nghìn tỷ đồng (3,08 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng giảm 61% xuống 1,87 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Masan sở hữu khoảng gần 17.000 tỷ đồng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Dòng tiền tự do (Free Cash Flow - FCF) của tập đoàn này cũng đã cải thiện mạnh lên mức 7.454 tỷ đồng trong năm 2023, so với mức 887 tỷ đồng trong năm 2022.
Vừa qua, Tập đoàn Masan cũng hoàn tất thương vụ việc nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ quỹ Bain Capital (Mỹ). Trong bối cảnh tỷ giá USD cao kỷ lục, khoản đầu tư này giúp Tập đoàn Masan thu về ròng hơn 6.200 tỷ đồng.
Hơn nữa, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã cổ phiếu TCB), một công ty liên kết của Tập đoàn Masan, vừa thông báo kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 15%. Với việc sở hữu 19,9% cổ phần tại Techcombank, Masan Group dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong thời gian tới. Đây là một động thái nhằm tăng cường năng lực tài chính của Masan Group, giúp họ có thêm nguồn lực để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Thành An