Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) cho rằng tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, bủa vây những người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, đến các ngõ ngách, bản làng.
Nguy cơ ngày càng lớn
"Người dân vùng đồng bào dân tộc bản chất thật thà, khả năng thích nghi phòng vệ, đề kháng với "kẹo độc bọc đường" còn hạn chế. Vì hoàn cảnh túng quẫn, bí bách, chấp nhận vay. Đã vay thì không thể cưỡng lại. Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen, buộc họ mất đất, mất tư liệu sản xuất, mất cả nhà, đẩy gia đình vào cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, trở thành hoàn cảnh "chị Dậu thời hiện đại", thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội. Vì vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở", ông Vượt kiến nghị.
Đồng tình, Đại biểu Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) cũng lo lắng cho diễn biến hiện tại của ngành nông nghiệp đang phải hứng chịu các đợt dịch bệnh đối với cây trồng và vật nuôi khiến người nông dân điêu đứng.
"Nhiều hộ nông dân mất mùa do dịch bệnh, điển hình người chăn nuôi lợn điêu đứng do bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó tỷ lệ người nông dân đang nợ ngân hàng rất cao, nếu không được gia hạn, xoá nợ, hoặc cho vay cấp vốn mới có thể họ sẽ phải tìm đến tín dụng đen vì lời mời hấp dẫn", bà Hà nói.
Bà Hà nêu thực trạng, hiện nay, xử lý vấn nạn tín dụng đen chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan hành pháp, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước.
"Việc xử lý vấn nạn tín dụng đen vẫn đang khoán trắng cho cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước, thiếu sự vào cuộc của các cơ sở, đặc biệt là ở địa phương, công tác quản lý nhà nước còn hạn chế", bà Hà nói.
Đưa ra giải pháp, ĐB Hà cho rằng cần hạn chế lượng tiền mặt đang lưu hành trong dân. Hiện nay, việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở kêu gọi, khuyến khích, mà chưa có thiết chế cụ thể.
Ví dụ như việc trả tiền lương qua thẻ vẫn đang dừng ở lại việc khuyến khích chứ không là quán triệt ở tất cả các cơ quan, ban ngành phải trả tiền qua thẻ.
"Nhiều người muốn tích trữ tiền nhàn rỗi trong nhà, không gửi ngân hàng hay tổ chức khác vì nghĩ là làm giàu cho tổ chức đó chứ không nghĩ rằng đó là sự bảo vệ cho mình. Từ đó, họ mang đi cho vay nặng lãi với suy nghĩ để "đẻ" thêm được nhiều tiền hơn, có lợi hơn khi gửi ngân hàng. Đây chính là bất cập khiến nạn cho vay nặng lãi ngày càng bùng phát", bà Hà phân tích.
Giảm lượng tiền mặt đang lưu hành trong dân để hạn chế tín dụng đen |
Mở rộng tài chính vi mô
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng có 3 giải pháp căn cơ để hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Thứ nhất là Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn chính thức, thông qua ngân hàng chính sách hoặc các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính vi mô.
Tuy nhiên, để thực hiện được thì thủ tục hành chính phải đơn giản, linh hoạt, các quy định phải dễ dàng hơn, thông thoáng, thậm chí còn đơn giản hơn cả tín dụng đen. Chủ yếu những đối tượng vay vốn là những người nghèo sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên hầu hết không có tài sản đảm bảo.
Thứ hai là tuyên truyền để người dân hiểu Nhà nước sẵn sàng cho dân vay, nên tại sao lại không tiếp cận với vốn nhà nước mà lại tiếp cận vốn tín dụng đen.
Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý những vụ tín dụng đen. "Chính quyền địa phương hoàn toàn biết được ai cho vay nặng lãi, đó là hành vi vi phạm pháp luật, nên phải xử lý", ông Lợi nói.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Lợi, biện pháp đầu tiên là cơ bản nhất. "Dùng ngân sách, dùng vốn của nhà nước để cho người dân thoả mãn nhu cầu vay vốn thì tự nhiên tín dụng đen sẽ giảm nhanh. Còn việc xử lý rất khó vì tín dụng đen là tín dụng ngầm, không công khai, minh bạch thì khó phát hiện".
Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng phải kết hợp song song cả biện pháp mở rộng nguồn cung về vốn và các biện pháp cứng rắn, đủ mạnh xử lý những đối tượng cho vay nặng lãi.
Về nguồn cung vốn, ông Cường cho rằng cần phát triển hệ thống tài chính vi mô. Ví dụ những người hành nghề bán hàng rong, xe ôm cần vay vốn nhanh nhưng không có tài sản đảm bảo, nên nếu có tổ chức tài chính vi mô đứng ra đại diện và huy động được nguồn vốn cho họ vay thì tránh được tình trạng vay tín dụng đen.
"Phải kiểm soát chặt chẽ người cho vay nhưng không đúng chức năng thì phải xử lý. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không cung cấp được nguồn cho vay thì quy mô và mức độ tín dụng đen thậm chí còn trầm trọng hơn bởi lãi suất cao…, nguy cơ mất an toàn xã hội", ông Cường nói.
Huyền Anh