Ngày 18/11, tại Hội thảo: "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững", các chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng chủ lực. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như việc cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện gặp nhiều khó khăn, bởi rủi ro thiên tai - biến đổi khí hậu.
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng vùng ĐBSCL đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so cuối năm 2023. |
Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên nhiên.
Liên quan nguồn vốn nông nghiệp, nông thôn khu vực ĐBSCL, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực bổ sung thêm, bảo hiểm nông nghiệp tuy đã có chính sách, hướng dẫn nhưng triển khai thực tế còn chậm, chưa có tổng kết để chính thức nhân rộng. Thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro dẫn đến hiệu quả tín dụng đầu tư thấp.
10 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá trị xuất siêu đạt hơn 12 tỷ USD.
Ngoài ra, bên vay thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản bảo đảm có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn (phương án kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế…).
Để thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất một số giải pháp cụ thể. Trong đó có việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng những gói tín dụng phù hợp, linh hoạt cho từng đối tượng trong chuỗi sản xuất nông sản. Cần có các sản phẩm tín dụng đặc thù với thời hạn và lãi suất phù hợp với chu kỳ sản xuất nông sản, giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Cùng với đó, cần khuyến khích các ngân hàng và tổ chức tín dụng nghiên cứu, áp dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; nâng cao năng lực định giá tài sản tín chấp và đánh giá rủi ro tín dụng trong nông nghiệp. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Trường, việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch gợi ý cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư. Hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất NHNN nghiên cứu và có chính sách để có nguồn tín dụng với lãi suất phù hợp cho hoạt động dự trữ nguyên liệu theo thời vụ thu hoạch. Bên cạnh vấn đề lãi suất, đề nghị quan tâm đến chính sách phân bổ nguồn tín dụng thông qua quy định các điều kiện phù hợp giúp các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự dễ dàng tiếp cận, giúp cho hoạt động tín dụng ổn định và lâu dài.
Với đề xuất này, ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Chí Linh, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh ĐBSCL chia sẻ: “Hiện nay, ngân hàng tư vấn, hướng dẫn cho các khách hàng để đảm bảo không có doanh nghiệp có nhu cầu phát triển chính đáng, hợp pháp mà lại vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng”.
Đồng thời, BIDV áp dụng chính sách giảm lãi suất từ 1-2% đối với khách hàng hiện hữu để giúp cho khách hàng giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thanh Hoa