Đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới.
NHNN cho biết, thời gian tới, NHCSXH tăng cường thêm gói tín dụng mới dành riêng cho các hộ thoát nghèo, trong đó sẽ không thực hiện gò bó lãi suất |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Với các giải pháp tích cực nêu trên, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Đến ngày 27/3/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018; trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.
Đặc biệt, cho vay tiêu dùng trong thời gian qua có mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua đã đạt 38%, trong đó, có năm lên cao nhất đạt tới mức tăng 63,8%.
Một số địa phương có tốc độ cho vay tiêu dùng tăng mạnh bao gồm Quảng Bình với mức tăng lên tới 119%/năm, Lâm Đồng tăng 57,72%, Thái Bình tăng 55,78%...
Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng, trong đó qua hội nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng, hội phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng, hội cựu chiến binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng, đoàn thanh niên là 24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng mạnh của nhu cầu vay tiêu dùng cũng chính là sự bùng nổ của tín dụng đen. Điều này gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Và giải pháp hạn chế tín dụng đen, theo lãnh đạo NHNN, chính là để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng chính thống.
Theo đó, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng cần phối hợp với các tổ chức, trên cơ sở nền tảng đã có phải mở rộng, làm rõ thêm các nội dung cho vay tiêu dùng.
Cũng theo Phó Thống đốc, nhằm hạn chế tín dụng đen, ngoài gói tín dụng 5.000 tỷ đồng của Agribank, NHNN cũng vừa trình Thủ tướng phương án để Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường thêm gói tín dụng mới dành riêng cho các hộ thoát nghèo, trong đó sẽ không thực hiện gò bó lãi suất.
Đồng thời, trong năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục cấp phép thêm cho một số tổ chức tài chính vi mô.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần giảm nạn tín dụng đen.
Sử dụng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Huyền Anh