Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), trong đó có một số nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và cơ quan quản lý. Đó là quy định siết cho vay bằng tiền mặt, giới hạn tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng…
Hướng tới siết chặt hơn
Giới chuyên gia cho rằng những quy định trong dự thảo sẽ siết chặt hơn hoạt động của CTTC. Cụ thể, yêu cầu CTTC phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định, CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, động thái sửa đổi Thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt, dự thảo sửa đổi bổ sung cũng có rất nhiều điểm tiến bộ, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt trong thời điểm vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành, sự phát triển và mở rộng mạng lưới của các CTTC tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi được tín dụng đen.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, đánh giá xét ở góc độ mục đích sửa đổi Thông tư, những điểm mới trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho CTTC, đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.
Đồng quan điểm, Ts. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cũng cho rằng đề xuất của NHNN là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho CTTC.
"Với dự thảo này, NHNN hướng đến ba mục đích, đó là đổi từ lượng sang chất và phát triển bền vững, lành mạnh; kiểm soát rủi ro của hoạt động cho vay tiêu dùng và bảo đảm nguồn tiền được sử dụng đúng mục đích", ông Linh phân tích.
Nhu cầu vay đa dạng
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm cho rằng có những quy định chưa hợp lý.
Ông Hiếu phân tích, một người đến vay CTTC, dù để chi trả tiền viện phí, tiền đi du lịch hay là chuyển tiền cho con đi học, mua xe máy, điện thoại… thì trong bất cứ trường hợp nào, CTTC cũng đã xét đến chuyện người đó có khả năng trả nợ hay không.
Như vậy, các CTTC đã xét khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi CTTC thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người muốn vay không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% cho giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt?
Với quy định CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, đồng thời không có nợ xấu, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cũng có phần chưa hợp lý. Như thế, khách hàng vay vốn ở CTTC sẽ bị bó hẹp ở các đối tượng đã và đang sử dụng dịch vụ, trong khi các đối tượng khách hàng mới bị bỏ ngỏ.
"Điều này không những hạn chế sự phát triển của CTTC mà còn hạn chế khả năng tiếp cận đến tài chính tiêu dùng của người dân, đi ngược với chủ trương mà Chính phủ đặt ra là tăng cường nguồn tín dụng đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân", một chuyên gia nói.
Trong khi đó, với quy định siết cho vay tiền mặt, PGs.Ts. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng, cho rằng hiện nay có những nhóm khách hàng thu nhập thấp, không ổn định, không có tài khoản ngân hàng, không đủ điều kiện vay ngân hàng.
Khi khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình cần vay tiêu dùng sử dụng cho các mục đích cấp bách, hoặc mang tính thời vụ, nếu nhu cầu vay bằng tiền mặt lớn hơn quy định sẽ không thể vay qua CTTC, buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Theo ông Hiếu, cách tốt nhất để vừa thúc đẩy hoạt động cho vay thuận lợi, vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa nợ xấu, bản thân các CTTC phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình và tuân thủ tuyệt đối chính sách đó. Đồng thời phải tuân thủ luật pháp, trên cơ sở hiểu được các nhu cầu của người dân, của CTTC để đáp ứng.
Điều quan trọng là NHNN và Chính phủ phải khuyến khích các CTTC như mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét đơn một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các CTTC.
Huyền Anh