Tại toạ đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” mới đây, hầu hết các chuyên gia khẳng định thị trường tài chính tiêu dùng hướng tới cả những nhóm khách hàng yếu thế, nhưng tỷ lệ khách hàng tiếp cận với nguồn vốn chính thống trên thực tế vẫn còn khá thấp so với nhu cầu.
Thiếu các khoản vay nhỏ
Thống kê cho thấy, nhu cầu cho vay mua và sửa chữa nhà ở hiện chiếm tỷ trọng đến 50%; cho vay mua hàng hóa tiêu dùng lâu bền chiếm 24%; cho vay mua phương tiện như mua ô tô, xe máy chiếm 15%; cho vay phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh chiếm khoảng 3% và cho vay mua hàng điện tử, công nghệ chiếm tỷ lệ 1%.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng nhu cầu tín dụng tiêu dùng cao như vậy, nhưng mức độ tiếp cận tín dụng của người dân tại các tổ chức tài chính chính thức hiện còn hạn chế.
Theo ông Cung, hộ gia đình là thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế bởi vừa là bên cung cấp vừa là bên sử dụng vốn, cụ thể là vay trực tiếp và gián tiếp qua các tổ chức trung gian.
Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng đang thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị dưới 50 triệu đồng, các hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các khoản vay nhỏ.
Hầu hết các khoản vay có dư nợ dưới 500 triệu đồng, với kỳ hạn dưới một năm chiếm tới 40%, hầu như không có khoản vay trên 5 năm và phương thức cấp tín dụng chủ yếu là cho vay từng lần.
Các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu cho vay dưới hình thức mua hàng trả góp; cho vay qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản còn chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 5%).
Dưới góc độ một chuyên gia ngành ngân hàng, Ts. Cấn Văn Lực cho biết 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ tổ chức tín dụng (TCTD), ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.
Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các TCTD chưa có nhiều cơ hội tiếp cận.
“Việc tín dụng đen bùng phát mạnh mẽ đang phản ánh nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này”, ông Cung khẳng định.
Phần lớn các chuyên gia cho rằng khó xóa được nạn tín dụng đen, giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tín dụng đen là phát triển tín dụng tiêu dùng.
Để làm được điều đó cần phát huy được vai trò hữu hiệu của thị trường tín dụng tiêu dùng, hoàn thiện nhiều yếu tố, không chỉ hành lang pháp lý mà còn là sự quyết tâm vào cuộc và tăng cường truyền thông tới người dân.
Phát triển tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen |
Hoàn thiện thị trường tiêu dùng
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật BASICO, cho rằng cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong và ngoài nước.
Ts. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, đề xuất cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.
Đồng tình với quan điểm nên phát triển tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen, song bà Kim Anh cho rằng cần giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ Thái Lan do không kiểm soát được dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán quá mạnh dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ.
“Hiện nay, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống các TCTD tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra”, bà Kim Anh nói.
Huyền Anh