Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” diễn ra chiều nay (17/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Nhiều ngân hàng Việt có trên 90% giao dịch trên kênh số, gần 70% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở; khoảng 60% trong số đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...".
Tăng trưởng bùng nổ
Khảo sát của tổ chức thẻ Visa cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng cùng một lúc nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… ngày càng cao, trung bình khoảng 93%. Trong đó, Việt Nam chiếm 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia khoảng 96%.
Hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. |
Số lượng ngày người tiêu dùng không cần dùng tiền mặt và có thể quản lý chi tiêu của mình không dùng tiền mặt ở Việt Nam trung bình khoảng 13,7 ngày và nằm trong top rất tốt. Cứ 3 người thì 2 người cố gắng sử dụng không cần dùng tiền mặt, đồng thời 50% là thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.
Thực tế tại các ngân hàng cho thấy, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ online tăng mạnh. Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB cho biết, năm 2021, tại MB đã có trên 93% giao dịch qua chuyển đổi số. Với định hướng trở thành doanh nghiệp số trong ngành ngân hàng, ngoài thị phần chuyển tiền, giao dịch chuyển tiền của MB luôn đứng thứ nhất.
Theo đó, MB ưu tiên chiến lược hành động đồng bộ, quyết liệt, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. MB cũng xử lý thành công về công nghệ để phục vụ 15 triệu khách hàng, đạt tới 99,11%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp lên tới 98%, cao hơn đô thị. “Việc thanh toán hiện nay rất phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập”, ông Tâm nói.
Gỡ nút thắt để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển
Mặc dù thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng bùng nổ, các chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng thương mại vẫn chỉ ra nhiều thách thức.
Theo ông Thái, đó là các vấn đề liên quan đến nhân sự, công nghệ, cạnh tranh... Cụ thể, về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Thách thức về cạnh tranh đặt ra, nên MB sẽ đặt vấn đề vừa cạnh tranh và hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.
Về giải pháp, ông Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trong thanh toán không dùng tiền mặt, thách thức với người tiêu dùng đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vì đã dùng phương thức này thì nhiều thông tin cá nhân của sẽ được các đối tác nắm giữ. “Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng cần hoàn chỉnh để "bịt" mọi kẽ hở, làm sao cho quản lý vừa thuận tiện, vừa chặt chẽ từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng tránh sơ hở, thiệt hại không mong muốn”, ông Hùng nói.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: “Chúng ta cũng đã phát triển nhiều hình thức khác nhau để vừa giảm thiểu tới mức tối đa thanh toán không dùng tiền mặt nhưng bảo mật của chúng ta không theo kịp, trở thành vấn đề quan trọng”.
Do đó, việc quản lý tài khoản, nâng cao nhận thức của người sử dụng rất quan trọng vì hầu hết vụ mất tiền thời gian vừa qua có liên đới tới người sử dụng. Ở đó, người sử dụng vô tình hoặc không hiểu biết mà để lộ lọt thông tin sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong không dùng tiền mặt càng quan trọng. Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với các doanh nghiệp kỹ thuật số đặc biệt là doanh nghiệp bảo mật kỹ thuật số.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, theo bà Hồng, ngành ngân hàng sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.
Thanh Hoa