Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch” ngày 13/4, các ngân hàng thừa nhận, việc áp dụng “đại tiệc phí” sẽ là áp lực rất lớn về mặt kinh doanh cho ngân hàng. Tuy nhiên, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, ngân hàng cũng chấp nhận đầu tư.
Hầu hết ngân hàng đã tham gia miễn phí giao dịch
Ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, để khuyến khích khách hàng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm giá đưa đến người dân dịch vụ hợp lý và an toàn nhất là chính sách “hút” khách hàng nhanh nhất.
90% ngân hàng miễn phí giao dịch trên ngân hàng số cho khách hàng. |
“Thành công và hiệu ứng sâu là “đại tiệc phí” được các ngân hàng đồng loạt giảm thời gian gần đây. Các ngân hàng đưa ra phí 0 đồng trọn đời cho khách hàng của mình”, ông Hà cho hay.
Có thể nói rằng, cuộc đua phí 0 đồng bước vào giai đoạn cạnh tranh “khốc liệt” kể từ thời điểm 4 “ông lớn” quốc doanh chính thức tham gia. Theo lý giải của các ngân hàng, việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, giúp thuận tiện và dễ dàng khi giao dịch trên ngân hàng số. Đồng thời, nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản thanh toán giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán online.
Về các chính sách thu hút khách hàng của Agribank, bà Phan Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết: Hiện nay, thanh toán qua thẻ khách hàng của Agribank không phải trả bất cứ phí gì. Thời gian qua, giao dịch bằng thẻ và trên điện thoại miễn phí hoàn toàn. Dịch vụ thẻ khuyến khích khách hàng chi tiêu, khách hàng không phải trả phí gì, thậm chí chi tiêu bằng thẻ sẽ hoàn tiền, thêm giá trị gia tăng cho khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng còn tạo thuận lợi cho khách hàng là giao dịch 24/7 và hạn mức lớn đến 3 tỷ đồng. Khách hàng có thể chủ động khai báo hạn mức trên điện thoại. Điện thoại thông minh trở nên một ngân hàng thu nhỏ.
Theo ghi nhận, xu hướng miễn phí dịch vụ được nhiều ngân hàng thương mại áp dụng thời gian qua và được xem là giải pháp quan trọng để thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, cũng như hoàn thành mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
Tăng tính an toàn, bảo mật trong thanh toán
Dưới góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ, bà Phạm Thị Mai Anh - Giám đốc Trung tâm sản phẩm - Khối Ngân hàng số - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, với giới trẻ, MB nhận thấy đây là đối tượng thúc đẩy thanh toán. Do đó, ứng dụng phát hành thẻ ảo được hướng tới đối tượng này. Vì vậy, đại diện MB đề xuất Napas miễn giảm tiếp cùng ngân hàng để ngân hàng tiếp tục thúc đẩy thanh toán này. Ngân hàng ra hạn mức nhỏ, xác thực qua Napas, với đơn vị chấp nhận thanh toán, các văn bản hướng dẫn cho phép thanh toán không qua xác thực với thanh toán nhỏ với phương tiện công cộng.
Trước đề xuất miễn giảm phí của MB, ông Nguyễn Quang Minh - đại diện Napas cho biết: về giao dịch không xác thực chủ thẻ, đây là phương thức đang được Napas áp dụng cho giao dịch dưới 1 triệu đồng cho thẻ chip, theo đó người dùng chỉ cần tap thẻ sẽ hoàn thành giao dịch.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên - Vụ Thanh toán NHNN cho biết, hiện nay, ngân hàng có tổ công tác sử dụng dữ liệu dân cư để tăng tính bảo mật, tính an toàn trong thanh toán và OTP là một giải pháp xác thực. Khi có một giải pháp tốt hơn thì chúng ta có thể thay thế.
Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp mang lại sự thuận lợi, có tính ứng dụng cao, để khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro.
“Hiện nay, các chuẩn mực bảo mật của các ngân hàng tương đương quốc tế. Tuy nhiên, sau đại dịch có nhiều khách du lịch vào Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài. Có sự giao thoa nên xuất hiện thẻ giả, sao chép rút tiền tại ATM. Vì vậy, khi triển khai nhiều thẻ thanh toán, các ngân hàng triển khai chế độ bảo mật cho phép chủ thể cùng ngân hàng kiểm soát giao dịch chủ động như đóng mở thẻ, dịch vụ, hạn mức thanh toán”, ông Hà khuyến nghị.
Huyền Anh