Dịch vụ Mobile Money được triển khai thí điểm từ năm 2021 nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng tiếp cận tài chính tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo tổng kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số tài khoản Mobile Money đã đạt gần 10 triệu tài khoản, trong đó gần 7,1 triệu tài khoản thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 71,73% tổng số tài khoản.
Viettel hiện dẫn đầu với tỷ lệ khách hàng chiếm 73%, tiếp theo là VNPT-Media với 21%, và MobiFone chiếm 6%. Đặc biệt, hơn 96% người dùng đăng ký thông qua ứng dụng di động, cho thấy sự phổ biến của công nghệ số trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính.
Tổng số tài khoản Mobile Money đã đạt gần 10 triệu tài khoản, trong đó gần 7,1 triệu tài khoản thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 71,73% tổng số tài khoản. |
Dịch vụ Mobile Money được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024, sau thời điểm này, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm sẽ phải tạm dừng cung ứng dịch vụ nếu chưa có quy định pháp lý, chính sách quản lý phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành hành lang pháp lý chính thức, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ sau thời gian thí điểm.
Trước đó, góp ý về dự thảo này, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị bổ sung thông tin về việc xử lý các vướng mắc, bất cập (nếu có) liên quan đến việc sử dụng dịch vụ trên của người dân (9,8 triệu tài khoản) trong trường hợp hết thời hạn thí điểm.
“Cơ quan chủ trì lập đề nghị cần khẩn trương xây dựng Nghị định để trình Chính phủ ban hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý, không làm phát sinh các vướng mắc, bất cập mới trong thực tiễn”, Bộ Tư pháp góp ý.
Bộ Công an cũng cho rằng, cần thiết xây dựng, ban hành Nghị định quy định về dịch vụ Mobile Money, tạo điều kiện cho dịch vụ Mobile Money hoạt động, phát triển, tiếp cận người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo Bộ Công an, trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đến nay chưa phát sinh vấn đề liên quan đến hành vi lợi dụng dịch vụ Mobile Money vào các mục đích bất hợp pháp.
Vì vậy, Bộ Công an đề nghị xem xét tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện thí điểm, tạo điều kiện phát triển dịch vụ Mobile Money an toàn, hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Mobile Money cũng đề xuất NHNN bổ sung quy định về hạn mức giao dịch đối với dịch vụ Mobile Money. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị nâng hạn mức giao dịch tài khoản Mobile Money theo hướng tương đương với hạn mức giao dịch của Ví điện tử, Thẻ trả trước định danh theo quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, áp dụng việc đối chiếu sinh trắc học trong quá trình mở tài khoản Mobile Money trực tuyến (bỏ điều kiện số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money)...
Về nội dung này, NHNN cho biết đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Mobile Money. Tại các Tờ trình báo cáo Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ trong năm 2024, NHNN đã nêu khó khăn về thời gian xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money và đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm cho dịch vụ này đến khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, có hiệu lực.
“Tuy nhiên, đến nay, NHNN vẫn chưa nhận được chỉ đạo để triển khai việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm đối với dịch vụ Mobile Money”, NHNN nêu.
Đại diện một nhà mạng cho biết vẫn đang chờ thông tin hướng dẫn liên quan nhưng nhiều khả năng dịch vụ này sẽ tiếp tục được gia hạn, khách hàng đang sử dụng dịch vụ không nên quá lo lắng.
Thanh Hoa