Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết có khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được phát hành trong nửa đầu năm nay. Còn theo công ty Chứng khoán MB, con số này đến nay vào khoảng 90.000 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2018. Trong đó, hơn 1/3 lượng phát hành thuộc về nhóm DN bất động sản, tiếp đến là các ngân hàng và công ty chứng khoán.
“Làn sóng” phát hành trái phiếu
Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung và dài hạn khiến nhiều DN, đặc biệt là DN bất động sản, chứng khoán khó vay vốn ngân hàng. Gần đây, nhiều DN đã tìm kiếm giải pháp tài trợ dài hạn và mang tính cấu trúc cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình bằng cách phát hành trái phiếu.
Đặc biệt, số DN tham gia thị trường TPDN ngày càng đa dạng, thậm chí nhiều DN không mấy tên tuổi trên thị trường cũng rất thành công huy động vốn thông qua trái phiếu, thu về hàng trăm tỷ đồng như: CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (NVL) phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt, lãi suất gần 11%/năm; CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 11%/năm…
Đáng lưu ý, lãi suất trái phiếu cũng có xu hướng tăng dần, từ mức 8-9%/năm trong năm 2018 lên tới 11-12%/ năm vào năm 2019, cá biệt có thể cao đến 14,5%/năm, như CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt phát hành 850 tỷ đồng TPDN qua 3 lần huy động, trong đó mức lãi suất cao nhất lên đến 14,5%/năm.
Các chuyên gia cho rằng ngoài nguyên nhân do thay đổi chính sách điều hành tín dụng của NHNN thông qua việc giảm tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, việc ban hành Nghị định 163 với những quy định được “nới lỏng” là nguyên nhân tạo nên “làn sóng” phát hành TPDN hiện nay.
Theo đó, kể từ ngày 1/2/2019, Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ có phần “dễ thở” hơn, nên DN mạnh dạn phát hành trái phiếu.
Nghị định đã bỏ điều kiện DN phát hành phải có lãi trong năm gần nhất. Trong khi đó, nếu phát hành trái phiếu ra công chúng, DN phải đảm bảo có lãi trong năm gần nhất, không lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn trên một năm… Ngoài ra, cũng không hạn chế về số lượng nhà đầu tư.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận so với những điều kiện rất chặt chẽ khi DN phát hành trái phiếu ra công chúng theo Luật Chứng khoán, thì phát hành dưới hình thức riêng lẻ theo Nghị định 163 có phần “dễ thở” hơn. Do đó, DN sẵn sàng nâng cao mức lãi suất để hút nhà đầu tư.
Kênh phát hành trái phiếu ngày càng được DN chú ý |
Nên mừng hay lo?
Dự báo trong vài năm tới, thị trường TPDN sẽ đạt mức tăng trưởng 30- 40%. Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng với xu hướng trần tăng trưởng tín dụng sẽ điều chỉnh giảm dần theo từng năm, DN và ngân hàng sẽ chủ động tạo kênh huy động vốn mới như phát hành TPDN trong nước và quốc tế.
Ở khía cạnh tích cực, những đợt phát hành như vậy làm “hài lòng” cả ba bên: DN bất động sản huy động được vốn dễ dàng mà không cần bất cứ điều kiện, thủ tục phức tạp và bắt buộc phải có tài sản đảm bảo như khi vay vốn ở ngân hàng. Đơn vị tư vấn như ngân hàng sẽ được hưởng phí hoa hồng cao, điều này phù hợp với mục tiêu giảm dần doanh thu tín dụng sang doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, người mua trái phiếu được hưởng lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất ngân hàng.
Lãnh đạo một DN cho hay: “Các DN chấp nhận chi phí vốn tới 14,5%, chưa kể phí tư vấn phát hành và các khoản phí khác, nhưng bù lại có thể huy động ngay một nguồn vốn để trang trải cho hoạt động kinh doanh. Do không bị gián đoạn sản xuất nên sẽ tạo ra tỷ suất sinh lời cao”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại trong bối cảnh TPDN tăng trưởng nóng, lãi suất cao bất thường, các nhà đầu tư cũng phải thận trọng bỏ vốn. Chẳng hạn, việc xác định mức độ minh bạch của đơn vị phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu vẫn chưa rõ ràng, bởi hiện nay nhiều DN chưa công bố dữ liệu thông tin để nhà đầu tư có thể đánh giá được mức độ an toàn và hiệu quả khi đầu tư.
Ngoài ra, việc huy động vốn bằng mức lãi suất khá cao như hiện nay không phải DN nào cũng có khả năng tạo ra được tỷ suất sinh lời cao, đặc biệt đối với các DN bất động sản khi thị trường đang phát triển chững lại.
Các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp để vận hành thị trường TPDN bài bản, phát triển lành mạnh, bền vững hơn, cơ sở dữ liệu thông tin cho thị trường phải được chuẩn hóa. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần sớm ban hành quy định bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm trong hồ sơ phát hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Huyền Anh