Kể từ đầu năm 2019 đến nay, kênh trái phiếu doanh nghiệp đang dần trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi thông thường bởi lãi suất cao và linh hoạt trong suốt quá trình đầu tư với cơ chế chuyển nhượng thuận tiện.
Số liệu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết có khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong nửa đầu năm 2019 nhưng theo công ty chứng khoán MB (MBS), con số này khoảng 70.000 tỷ đồng.
Lợi ích nhãn tiền
Thông thường, kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức như công ty chứng khoán, ngân hàng hoặc bảo hiểm, bởi giá trị mỗi đợt phát hành đều khá lớn, nhà đầu tư cá nhân khó có thể có đủ nguồn lực.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã kết hợp với doanh nghiệp triển khai các sản phẩm đầu tư trái phiếu hoặc trở thành nhà phân phối trái phiếu chính thức cho doanh nghiệp với mức độ ngày càng phù hợp đối với khách hàng cá nhân.
Tại nhiều ngân hàng, chỉ cần có từ một triệu đồng, mỗi cá nhân đều có thể mua trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư nhận lãi suất cao hơn lãi suất của các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng, còn so với cổ phiếu thì trái phiếu bảo toàn vốn cao hơn vì không bị ảnh hưởng sự lên xuống hàng ngày.
Do đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân đổ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp ngày càng nhiều. Chỉ riêng nửa đầu năm nay, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tăng đạt 7%, cao hơn nhiều so với 5,6% của cả năm 2018.
Phần lớn các đợt chào bán gần đây đều rất đắt hàng bởi các đối tượng tham gia đều cảm thấy có lợi trong việc tham gia thị trường.
Đối với tổ chức tư vấn/phân phối (công ty chứng khoán), hoạt động phân phối mang lại lợi nhuận không nhỏ, có thể bao gồm từ việc mua lô lớn với lãi suất cao và bán lại với lãi suất thấp hơn (chênh khoảng 2-2,5%) hoặc thu thêm phí khoảng 1,5% cho việc phát hành.
Đơn cử như với công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đơn vị nắm giữ hơn 80% thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE, báo lãi gấp ba lần cùng kỳ trong nửa đầu năm 2019. Trong hơn 750 tỷ đồng doanh thu hoạt động của TCBS một phần không nhỏ đến từ nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, trong khi lãi suất tiết kiệm chỉ 7-8%/năm thì các loại trái phiếu có lãi suất 11-12%/năm, thậm chí 13-14%/năm. Dù mức lãi suất khi phân phối lại đến tay nhà đầu tư cá nhân thấp hơn 1-2% vì qua đơn vị phân phối, nhưng con số này cũng được coi là hời nếu so với các kênh đầu tư khác.
Đặc biệt, không chỉ hấp dẫn hơn về lãi suất mà khi có việc cần dùng tiền trước thời hạn khoản trái phiếu bán đi sẽ vẫn có lãi khoảng 2-3% tùy từng đơn vị trong khi gửi tiết kiệm thì nhà đầu tư phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn rất thấp.
Tuy nhiên, sự đắt khách của các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng nảy sinh nhiều vấn đề bởi tính minh bạch thông tin còn kém trong khi công cụ quan trong nhất có thể bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là đánh giá tín nhiệm của tổ chức phát hành thì hiện vẫn chưa có.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp đang dần trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi thông thường |
Hai mặt của đồng xu
Theo Nghị định 163, xếp hạng tín nhiệm với tổ chức phát hành trái phiếu hay hợp đồng dịch vụ với các bên liên quan chỉ cần công bố trong trường hợp “nếu có”. Những tài liệu này không nằm trong danh mục bắt buộc trong hồ sơ phát hành.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường do nhà tạo lập thị trường đứng ra thực hiện, bằng cách “chẻ” nhỏ trái phiếu doanh nghiệp thành các sản phẩm dễ đầu tư nhằm thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Các nhà tạo lập thị trường này chỉ là bên trung gian phân phối, chứ không phải bảo lãnh hay bảo đảm, tức là không chịu rủi ro.
Các chuyên gia cho rằng lợi ích và rủi ro như hai mặt của đồng xu, lợi nhuận cao cũng tiềm ẩn những rủi ro tương xứng. “Cơn khát vốn” khiến các ngân hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản chấp nhận chi phí vốn cao (có đợt phát hành có mức lãi suất lên tới 14,5%) còn chưa kể chi phí tư vấn phát hành và các khoản phí khác.
Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn con số này, hoặc vòng xoay vay nợ phải diễn ra liên tục để có nguồn trả lãi cho trái chủ nên dễ dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền nếu mất kiểm soát. Thực tế, việc tạo ra tỷ suất sinh lời cao trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng.
Do đó, việc các doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao là một dấu hiệu cần theo dõi bởi điều này cho thấy sự thiếu ổn định trong cấu trúc vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, theo Ts Phan Văn Thường, hiện chưa có một báo cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng và ngân hàng về việc các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu trong thời gian qua. Dù vậy, qua các nguồn tin khác nhau đã cho thấy lấp ló bóng dáng câu chuyện các ngân hàng đang tiêu thụ trái phiếu cho nhau.
Nếu không ngăn chặn ngay thì câu chuyện đó sẽ bùng nổ phức tạp chẳng khác gì câu chuyện sở hữu chéo mà ngành ngân hàng phải mất nhiều năm giải quyết gây nguy hiểm cho ngành ngân hàng và nền kinh tế.
Linh Đan