Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. (Ảnh: Internet) |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, lĩnh vực năng lượng là vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và trực tiếp là EVN, PVN tham gia vào các dự án đầu tư về năng lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những giải pháp nhằm khuyến khích phát triển về điện mặt trời, điện gió... và đã có một số dự án được triển khai sản xuất và được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ về đất đai, thuê mặt nước, hỗ trợ giá mua điện...
Hiện nay, có nhiều nguồn lực khác nhau để triển khai các chương trình dự án này. Các doanh nghiệp nhà nước được huy động nguồn lực tự có kết hợp với vốn vay để triển khai các dự án sản xuất điện. Tuy nhiên, nguồn lực này còn nhỏ chưa tương xứng về nguồn vốn để triển khai. Vì vậy, Chính phủ đã hỗ trợ cho vay lại nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho các doanh nghiệp nhà nước để triển khai, cũng như thực hiện vay bảo lãnh cho các tập đoàn vay vốn nước ngoài và trong nước. Ngoài ra, có một số chương trình sản xuất điện được thực hiện theo hình thức BOT, một số chương trình, dự án được triển khai từ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà cho rằng, những giải pháp về nguồn lực tài chính hiện chưa đủ mạnh để đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất điện. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ mong muốn có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa để tạo nguồn lực thu hút công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong đó, Thứ trưởng đánh giá cao khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các chương trình về năng lượng. Hiện nay, quá trình tham gia của khu vực này dưới hình thức PPP đang gặp phải một số khó khăn về cơ chế, nên chưa được thực hiện. Thời gian tới, Chính phủ sẽ xây dựng Luật PPP để báo cáo Quốc hội quyết định. Một trong những nội dung quan trọng cần được làm rõ đó là xác định nội dung, nguyên tắc, hình thức triển khai hợp đồng PPP; Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong thực hiện dự án PPP; Các trình tự thủ tục phải được công khai, minh bạch nhằm cải cách mạnh mẽ hơn để có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết thêm: Chính phủ Việt Nam mong muốn phát triển thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu nhằm tạo ra một thị trường tài chính đủ mạnh, đủ lớn để tham gia vào các chương trình dự án. Trong đó, sẽ phát triển thị trường vốn mà chủ trương là cổ phần hóa các nhà máy điện để có thêm nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn vốn. Bởi hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự phát triển, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng còn riêng lẻ, quy mô không lớn và kỳ hạn ngắn. Vì vậy, cần sẽ tiếp tục phát triển thị trường này với quy mô lớn và kỳ hạn dài hơn, đảm bảo độ tín nhiệm cao nhằm tạo sự an toàn cho thị trường trái phiếu.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng, đặc biệt là ngành điện, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cho vay lại với các dự án quan trọng; bảo lãnh một số doanh nghiệp vay vốn trong và ngoài nước nhưng phải đảm bảo quy định của Luật Quản lý nợ công; cũng như tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước với những dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời; cơ cấu lại thị trường điện trong nước đảm bảo theo đúng nguyên tắc thị trường.
"Việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh là hướng đi tích cực, tạo động lực cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường phát điện. Trên cơ sở đó sẽ hình thành giá phát điện cạnh tranh. Qua đó sẽ thúc đẩy thị trường công khai, minh bạch”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Hoàng Hà