HTX Tường Xuyên (huyện Tân Thạnh) đang phát triển nghề may và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động nông thôn.
Hóa giải nỗi lo chất lượng lao động
Để bảo đảm nguồn lao động sửa chữa, bảo trì máy móc, HTX đã phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp dạy nghề sửa chữa thiết bị. Lớp học này đã tạo điều kiện cho lao động nông thôn và thành viên HTX có nhu cầu học và nâng cao tay nghề, kỹ năng tham gia.
Lớp học chú trọng vào phần thực hành nên người học có cơ hội nắm bắt kiến thức, kỹ năng một cách thuận tiện, dễ dàng hơn. Thông qua những lớp học như vậy, HTX Tường Thuận có đội ngũ kỹ thuật bảo trì, sửa chữa máy phù hợp và được nâng cao kỹ năng thường xuyên. Những người có nhu cầu làm việc tại HTX cũng được tạo điều kiện thuận lợi và được hưởng lương theo tháng. Chính vì vậy mà HTX không phải thuê thợ bảo trì và sửa chữa máy móc thời vụ, vừa chủ động trong công việc sản xuất, kinh doanh.
Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (huyện Bến Lức), Ban giám đốc HTX cũng tạo điều kiện cho thành viên tham gia các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến quả chanh bảo đảm chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu.
HTX Bến Lức hoạt động hiệu quả theo chuỗi nhờ chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, thành viên. |
Đặc biệt, để xây dựng chuỗi sản xuất an toàn theo kế hoạch của tỉnh, các thành viên và người lao động trong HTX cũng được tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng sử dụng các loại máy nông nghiệp để áp dụng triệt để cơ giới hóa trong chăm sóc và chế biến sản phẩm chủ lực là chanh không hạt.
Hiện, thành viên và người lao động trong HTX đều ứng dụng thành thạo các trang thiết bị, máy móc, hiểu biết về đặc tính cây chanh, các loại thuốc, phân bón để bảo đảm sản xuất an toàn và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
75% lao động sẽ được đào tạo
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang giúp các mô hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, thúc đẩy các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Việc các HTX chú trọng đào tạo nghề cho thành viên và việc địa phương quan tâm đào tạo nghề nông thôn góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nghề giúp cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp của địa phương.
Theo đại diện UBND tỉnh Long An, địa phương đang chú trọng xây dựng các mô hình liên kết với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho nông dân... từ đó giúp các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hàng chục HTX để các đơn vị này xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận và tiêu thụ thuận lợi hơn so với sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của địa phương nhận thấy khó khăn chủ yếu đối với nhiều HTX hiện nay là năng lực quản lý, điều hành của Ban giám đốc HTX còn nhiều hạn chế; sự gắn kết, hợp tác giữa các thành viên với HTX chưa chặt chẽ.
Nhiều lao động làm trong HTX nông nghiệp vẫn chưa được đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả hoạt động, quản lý chưa cao nên chưa thật sự thu hút người dân tích cực tham gia các mô hình chuỗi liên kết. Đặc biệt, vẫn có những HTX chưa thực hiện liên kết khép kín mà chỉ thực hiện liên kết một hoặc một số khâu như cung ứng vật tư nông nghiệp, thu hoạch...
Chính vì vậy, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, đưa lao động nông thôn qua đào tạo đạt 75%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%, tỉnh đã chú trọng đổi mới phương thức đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn và chú trọng đến các ngành kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của HTX, doanh nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bám sát tình hình thực tế ở địa phương, thành viên HTX, người lao động để sau khi đào tạo, người lao động đều có cơ hội ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tiễn.
Để xây dựng nông thôn mới thông minh, tỉnh tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, HTX và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Đi liền với đó là đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân, HTX.
Tùng Lâm