Lãnh đạo huyện Krông Nô đánh giá, chương trình xây dựng NTM đã từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, chăm lo cho người dân và phát huy nội lực để người dân vừa tham gia đóng góp, xây dựng vừa hưởng lợi.
Nâng cao giá trị sản xuất
Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện nay đã hình thành các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, xuất hiện nhiều HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, nông dân đã nâng cao được giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Chú trọng tiêu chí sản xuất và thu nhập trong xây dựng NTM (Ảnh: TL) |
Trên cơ sở 19 tiêu chí NTM, huyện Krông Nô đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ, lựa chọn ưu tiên tiêu chí dễ làm trước, tập trung vào đầu tư hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân.
Đến nay, 5 xã và 81 thôn, bon, buôn được đầu tư nhà văn hóa, khu thể thao; 9 trạm y tế xã đạt chuẩn; hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu dạy học. Nếu như năm 2010, trung bình mỗi xã chỉ đạt 0,64 tiêu chí NTM, thậm chí có nhiều xã trắng tiêu chí NTM thì đến nay toàn huyện có 1 xã về đích NTM, trung bình mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí NTM.
Theo đó, huyện tập trung xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân. Huyện cũng thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao như sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình cải tạo đàn bò, tái canh cà phê…
Năm 2020, huyện hướng đến giá trị sản xuất đạt hơn 9.511 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; phấn đấu có thêm 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM.
Nông nghiệp là ngành mũi nhọn của Krông Nô, trong đó xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đột phá. Theo đó, huyện tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phù hợp với định hướng của huyện. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Khuyến khích, mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích phát triển nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Song song đó, hỗ trợ HTX, hộ kinh doanh đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện (như cà phê, hồ tiêu, bơ, lúa gạo...).
“Điểm sáng” kinh tế hợp tác
Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có hàng chục mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả cao, liên kết người dân sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập của nông dân, từ đó đóng góp quan trọng vào tiêu chí sản xuất và thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng NTM.
Các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành tiêu chí số 10 và số 13 của các xã (Ảnh: TL) |
Từ năm 2016, 12 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Phú Hòa và thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi tằm thôn Phú Hòa. Ban đầu, các thành viên THT sản xuất trên diện tích 5ha dâu và cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm với nhau. Hiện nay, số thành viên của THT đã tăng lên 37 hộ, sản xuất dâu trên diện tích 20ha.
Đáng chú ý, các thành viên THT đã tạo được liên kết với đơn vị thu mua tơ và cung cấp con giống chất lượng tốt, giá cả ổn định. THT cũng đã xây dựng được 37 triệu đồng tiền quỹ, hiện đang hỗ trợ cho 9 thành viên vay để đầu tư sản xuất giống dâu, nhập giống tằm và mua sắm dụng cụ sản xuất. Các thành viên thường xuyên liên lạc để có thể kịp thời hỗ trợ nhau khi tằm có những biểu hiện bất thường, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những thành viên mới.
Với giá giống tằm và giá kén như hiện nay, trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, giúp người nuôi có nguồn thu nhập ổn định, bình quân 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Trong thời gian tới, THT tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ các thành viên về vốn và kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả của nghề. Trước những thuận lợi cơ bản, các thành viên đang mở rộng diện tích trồng dâu, để mở rộng quy mô nuôi tằm, nâng cao thu nhập.
Một điển hình khác trong khu vực kinh tế hợp tác là HTX Nông nghiệp công bằng Thanh Thái (xã Nâm Nung) với sản phẩm cà phê bột được Hội đồng OCOP cấp huyện xếp hạng 3 sao.
HTX Thanh Thái được thành lập năm 2017 với 24 thành viên, hiện có 200 thành viên xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 500 ha theo quy trình tiêu chuẩn 4C. Sau khi đi vào hoạt động và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để tiến hành chế biến cà phê rang xay chất lượng cao. Mỗi vụ, HTX sản xuất được khoảng 100 tấn cà phê nhân theo tiêu chuẩn 4C, UTZ. Cùng với đó, HTX đã chế biến được cà phê bột và cà phê hòa tan bán ra thị trường.
Trước đó đã có hơn 20 năm sản xuất cà phê nhưng chỉ đến khi tham gia HTX, chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Thanh Thái, xã Nâm Nung) mới mạnh dạn chuyển đổi phương pháp chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Sau khi tham gia HTX, chị được tập huấn các nguyên tắc an toàn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và xu hướng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả.
Gia đình chị cũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm máy chế biến ướt cà phê, xây dựng nhà lưới rộng 160m2 để chế biến, phơi cà phê ngay sau khi thu hoạch. Trong quá trình chế biến, tất cả những quả cà phê xanh, mốc hỏng, sâu bệnh đều được máy loại bỏ ra ngoài để bảo đảm 100% hạt cà phê chế biến là cà phê chín, chất lượng.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất chế biến cà phê mới này, chất lượng và giá cả cao hơn so với sản xuất cà phê kiểu truyền thống. Sản phẩm cà phê nhân của gia đình chị Huệ cũng như các thành viên HTX sản xuất ra được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nhờ thu nhập cao mà nhiều hộ thành viên đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, đóng góp quan trọng vào tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM xã Nâm Nung.
Đức Nguyễn