Năm 2020, huyện Khoái Châu đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 11%, doanh thu trên 1ha canh tác đạt 220 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng...
Khai phá tiềm năng đất bãi
Với phương châm tập trung khai thác những tiềm năng vốn có của địa phương, hàng nghìn héc ta vùng bãi sông Hồng và đất trồng lúa hiệu quả thấp trên địa bàn huyện đã được người dân đầu tư, cải tạo xây dựng trở thành vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, cây dược liệu, cây ăn quả như nghệ vàng, nhãn, chuối tiêu hồng, ổi, xoài... Sản phẩm từ các loại cây trồng mũi nhọn này đã từng bước chiếm lĩnh thị trường các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu thị trường một số nước như Trung Quốc, Nga và một số nước Trung Đông...
Giá trị kinh tế từ cây ăn quả đặc sản mang lại mỗi năm ước tính khoảng trên 1.300 tỷ đồng (Ảnh: TL) |
Phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu cho biết, diện tích chuyên canh cây ăn quả, cây dược liệu tập trung chủ yếu ở các xã như Bình Minh, Hàm Tử, Dạ Trạch, Đông Kết, Bình Kiều, Tứ Dân, Đại Tập, Tân Dân, Đông Ninh... Từ năm 2015 đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã chuyển đổi gần 200ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mũi nhọn.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả mũi nhọn của toàn huyện đạt trên 3.500ha; trong đó có trên 200ha cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận VietGAP; giá trị kinh tế mang lại mỗi năm ước tính khoảng trên 1.300 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các mô hình chuyển đổi trên địa bàn huyện mang lại thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha, lãi gần 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa từ 4 - 5 lần.
Bên cạnh các loại cây ăn quả mũi nhọn, huyện Khoái Châu cũng chú trọng đầu tư phát triển các loại vật nuôi đặc sản, nhất là giống gà Đông Tảo.
Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Khoái Châu, hiện nay, toàn huyện có tổng đàn gà hơn 850.000 con, trong đó gà Đông Tảo là trên 50.000 con, hơn 500.000 con gà lai Đông Tảo. Gà Đông Tảo được nuôi tập trung ở các xã như Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân, Bình Kiều... Bình quân hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, nông dân trong huyện cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 – 5.000 con gà Đông Tảo, thu về hàng chục tỷ đồng.
Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả gắn với các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, Khoái Châu đến nay đã trở thành một trong những huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và khá ổn định của tỉnh Hưng Yên.
UBND huyện Khoái Châu cho biết, trong năm 2019, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 205 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94%; thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng. Góp phần vào kết quả chung này có sự đóng góp không nhỏ của các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con đặc sản.
Hiện nay, huyện đã có trên 600 mô hình kinh tế trang trại tập trung tại các xã Đông Kết, Đông Tảo, Bình Minh, Hàm Tử, Tân Dân...
Ưu thế vượt trội của HTX
Đầu năm 2020 này, trong khi nhiều mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề vì tắc nghẽn đầu ra do đại dịch Covid-19 thì sản phẩm chuối sấy khô và chuối sấy dẻo của HTX Nông sản Toàn Phát ở huyện Khoái Châu lại có sản lượng tiêu thụ tăng tới 30% so với trước khi có dịch bệnh.
Đặc sản Khoái Châu không còn lo đầu ra thiếu ổn định nhờ các cơ sở chế biến nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh: TL) |
Không chỉ là vùng đất được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, mà còn được ưu ái có những sản phẩm nổi tiếng từ ngàn xưa như nhãn lồng, giờ đây Khoái Châu còn là vùng trồng chuối tiêu hồng lớn nhất miền Bắc.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện nay trên địa bàn Khoái Châu có trên 2.000ha chuối, tập trung ở các xã vùng ven sông Hồng như Tứ Dân, Đại Tập, Bình Kiều… Chuối tiêu hồng Khoái Châu đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng bởi chất lượng ngon, ngọt. Chính vì vậy, chuối ở đây đã được thương lái vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời còn xuất sang cả thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trước đây, chuối của thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều nói riêng, của huyện Khoái Châu nói chung rất ngon, mẫu mã đẹp, nhưng chỉ bán chuối tươi cho mọi người ăn thì giá không cao. Nhiều năm trước, khi chuối được thương lái xuất sang Trung Quốc, người trồng và thương lái cũng thu được lãi cao, nhưng cũng rất nhiều lần trái cây của Việt Nam, trong đó có chuối khi xuất khẩu sang Trung Quốc không được làm thủ tục thông quan nên chuối chín không xuất được, đành bỏ phí.
Với suy nghĩ làm thế nào để trái chuối quê mình có giá bán cao? Làm gì để chuối chín không phải vứt bỏ? Anh Nguyễn Văn Phát đã quyết định đầu tư trên 500 triệu đồng mua máy móc, thiết bị và thành lập HTX Nông sản Toàn Phát, chuyên làm chuối sấy khô và chuối sấy dẻo để bán ra thị trường.
“Hiện, giá chuối tươi chỉ dao động trong khoảng 3.000 đồng/kg, trong khi giá chuối sấy khô của HTX đang bán ra với mức 100.000 đồng/kg, chuối sấy dẻo 70.000 đồng/kg. Cứ khoảng 5kg chuối tươi thì cho thành phẩm 1kg chuối sấy khô, như vậy qua chế biến đã nâng giá trị sản phẩm lên gấp hơn 6 lần so với bán chuối tươi và lại yên tâm về khâu bảo quản”, Giám đốc Nguyễn Văn Phát chia sẻ.
Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh phải giảm bớt thời gian làm việc, hay làm cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc, nhưng HTX Nông sản Toàn Phát lại tiêu thụ tăng so với trước khi có dịch. Chính vì thế, thu nhập của người lao động vẫn đạt từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
HTX đang hoàn thiện chứng nhận truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã bao bì để đăng ký bản quyền…, đẩy mạnh tiêu thụ vào các kênh siêu thị trên địa bàn cả nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bây giờ, khắp trong thôn rộn ràng tiếng máy móc hoạt động, cho ra những túi chuối sấy ngọt ngào, đóng gói bằng máy, nhãn hiệu bắt mắt. Nào là chuối sấy khô vàng rộm, giòn tan, nào là chuối sấy dẻo vừa thơm vừa dịu ngọt. Thiết bị từ sơ chế đến đóng gói thành phẩm vừa nhàn nhã người thợ, vừa văn minh, vừa đảm bảo vệ sinh công nghiệp. Từ sấy chuối đã lan tỏa sang sấy nhãn, vải, ngô, khoai, rau củ quả khác…, mùa nào thứ quả nấy, giúp người trồng yên lòng về đầu ra khi tới ngày thu hoạch.
Đức Nguyễn