Trấn Yên là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Xác định công tác giảm nghèo trong năm nay gặp nhiều khó khăn hơn so với những năm trước, bởi hầu hết các hộ nghèo còn lại của huyện đều không thuận lợi, thuộc diện khó thoát nghèo vì thiếu hụt các tiêu chí, như: Thu nhập, diện tích, chất lượng nhà ở, vệ sinh, nước sạch..., huyện Trấn Yên đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2020 còn 2,55%.
Cánh chim đầu đàn
Để công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả, huyện Trấn Yên đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi, điện, chợ… được cải tạo, nâng cấp đồng bộ từ trung tâm huyện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng cao góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Sơ chế măng Bát độ ở HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Ảnh: Internet) |
Trong phát triển sản xuất, Trấn Yên tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân; khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, HTX nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, hình thành chuỗi giá trị phù hợp.
Được ví như cánh chim đầu đàn trong phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên) đã liên kết, liên doanh ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre cho thành viên và người nông dân.
Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX cho biết: HTX ký trực tiếp với người nông dân trồng tre măng Bát độ, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất. Đến nay, HTX đã liên kết với 200 hộ dân trồng tre măng Bát độ và xây dựng được vùng nguyên liệu tre măng Bát độ với diện tích trên 300 ha.
Hàng năm, HTX đã tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên HTX và người dân. Doanh thu HTX đạt trên 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Thay đổi đời sống người dân
Trấn Yên cũng xác định mỗi xã phải có một sản phẩm, ngành nghề chủ lực, thế mạnh của địa phương mình, từ đó có giải pháp và lộ trình cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng các mô hình phát triển. Sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người dân khu vực nông thôn.
HTX Quế hồi Việt Nam góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân (Ảnh: Internet) |
Từ định hướng đó, HTX Quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) được thành lập, tập trung xây dựng quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm quế an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân; hướng đến nền sản xuất nông nghiệp địa phương theo chuỗi giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, diện tích quế hữu cơ chỉ là 1,5ha thì nay vùng nguyên liệu của HTX đã lên tới 500ha và tiếp tục được mở rộng. Sản phẩm của người dân được HTX bao tiêu toàn bộ với mức giá tăng 20% so giá thị trường.
Ngoài 2 mô hình HTX trên, hiện nay trên địa bàn huyện Trấn Yên đã hình thành các vùng cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dâu tằm, quế, tre Bát độ, chè chất lượng cao, cây ăn quả, cây dược liệu… từ đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho các địa phương trong huyện.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết: "Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi căn bản đời sống của người dân”.
Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Trấn Yên mới đạt 10 triệu đồng/năm, toàn huyện có 6.227 hộ nghèo/22.229 hộ, chiếm tỷ lệ 28,01%. Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo và tập trung phát triển kinh tế nên năm 2019, toàn huyện còn 1.145 hộ nghèo/24.095 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,75%; phấn đấu đến hết năm 2020 còn 2,55%.
Hà Xuyên