Nâng cao giá trị từ rừng
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, sau 4 năm triển khai Nghị định 75 của Chính phủ về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều người dân quan tâm học hỏi kinh nghiệm (Ảnh: Internet) |
Đó cũng là mục tiêu mà Quảng Ninh đang hướng tới nhằm nâng cao giá trị từ rừng theo hướng phát triển “xanh” bền vững, với lộ trình phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động từ việc trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Trong đó, tỉnh xác định huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ rừng và đất rừng góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân làm nghề rừng theo hướng phát triển rừng bền vững.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã thực hiện giao khoán bảo vệ từng với tổng diện tích là trên 165.000ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 50 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện hỗ trợ khu vực đặc biệt khó khăn trên địa bàn đạt trên 113.000ha, kinh phí trên 33 tỷ đồng, giúp 80 nhóm hộ gia đình, cá nhân ở các huyện miền núi, biên giới có việc làm và thu nhập, góp phần đưa hàng trăm hộ thoát nghèo.
Cùng với việc giao khoán rừng cho các hộ dân, tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Cụ thể, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện 1 dự án trên địa bàn huyện miền núi Ba Chẽ với 23 hộ dân tham gia trên diện tích trồng rừng 53ha, tổng nguồn vốn gần 2,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ các hộ gia đình, cá nhân là trên 1,6 tỷ đồng, còn lại là từ nguồn vốn của tỉnh và huyện hỗ trợ. Dự án đã đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Ba Chẽ, đặc biệt đã giúp cho 18 hộ trong tổng số 23 hộ tham gia dự án thoát nghèo.
Tiếp nối thành công từ dự án trồng rừng tại huyện Ba Chẽ, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, đã có 11 dự án triển khai tại 2 huyện miền núi Bình Liêu và Tiên Yên trên địa bàn 6 xã với 98 hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn trên tổng diện tích gần 137ha, với tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện gần 600 triệu đồng.
Trong đó, tại huyện Bình Liêu, 2 dự án triển khai tại 2 xã Vô Ngại và Hoành Mô với 84 hộ gia đình được hưởng lợi từ việc tham gia trồng gần 78ha rừng gỗ lớn, với kinh phí trên 188 triệu đồng. Tại huyện Tiên Yên có 9 dự án triển khai tại 4 xã gồm Điền Xá, Đại Thành, Đông Ngũ và Hà Lâu với quy mô 59ha,14 hộ gia đình hưởng lợi với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 410 triệu đồng.
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ đã góp phần giải quyết bài toán về việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân ở các xã miền núi biên giới còn nhiều khó khăn trên địa bàn Quảng Ninh.
Qua đó, thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao, từng bước định hình cho người dân sản xuất ổn định theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của Quảng Ninh và của các địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, từ việc tham gia dự án trồng rừng đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng theo hướng bền vững. Nhờ vậy, rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng không ngừng tăng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể.
Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện một trong những mục tiêu lâu dài mà tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới là hướng tới phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với thiên nhiên núi rừng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
“Mô hình điểm” Ba Chẽ
Thời gian qua, xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, huyện Ba Chẽ đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế từ rừng theo hướng bền vững.
Cây ba kích tím là đặc sản nổi tiếng ở huyện Ba Chẽ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng hiệu quả từ lâm nghiệp (Ảnh: Internet) |
Hiện tại, huyện Ba Chẽ hướng đến phát triển ngành lâm nghiệp một cách bền vững, kết hợp lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước giữa hai mùa mưa và khô. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã xây dựng và triển khai 2 đề án: Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025 và bảo tồn, phát triển dược liệu.
Theo đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, Ba Chẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Trong đó, trồng mới và trồng sau khai thác trên diện tích 4.260ha, gồm các loài: Thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc, lim, lát, dổi...
Tính đến hết năm 2019, trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện đạt 235ha (người dân trồng 31ha, doanh nghiệp trồng 204ha). Năm 2020, huyện phấn đấu trồng 3.000ha rừng tập trung, trong đó dự kiến diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 520ha; tính đến thời điểm này, tổng số cây giống đã gieo ươm phục vụ trồng rừng năm 2020 đạt 4 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Đôn đốc nhân dân chuẩn bị hiện trường trồng rừng năm 2020 đạt khoảng 500ha, diện tích đã trồng rừng đạt 30ha.
Đối với đề án bảo tồn, phát triển dược liệu, sẽ hình thành rõ nét vùng sản xuất tập trung, ưu tiên cho phát triển cây ba kích, trà hoa vàng. Bên cạnh việc phát triển diện tích trồng nguyên liệu, huyện Ba Chẽ đặc biệt chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ; giữ gìn, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm... Trong năm 2019, tổng diện tích trồng cây dược liệu đã thực hiện là 134,1ha. Năm 2020, huyện phấn đấu diện tích trồng dược liệu được mở rộng là 283ha, trong đó diện tích trồng ba kích tím là 148ha, trà hoa vàng 103ha, dược liệu khác 32ha. Đồng thời, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích dược liệu đã trồng những năm trước; phấn đấu xây dựng 1 vườn bảo tồn chủ động tại xã Minh Cầm để bảo vệ nguồn gen các loài dược liệu quý có nguồn gốc tự nhiên kết hợp sản xuất cây giống; 1 vườn mẫu trồng các loại dược liệu quý tại xã Nam Sơn; xây dựng mới 2 cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao phục vụ việc mở rộng diện tích trồng dược liệu tại xã Thanh Sơn, Minh Cầm...
Để phát huy hiệu quả 2 đề án này, huyện Ba Chẽ tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào trồng và chế biến các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, tăng thu nhập từ phát triển tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến tại chỗ; nỗ lực hơn trong việc vận động, thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ tốt hơn nữa, nhất là hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, hỗ trợ sinh kế cho người dân yên tâm trồng rừng.
Đức Nguyễn