Theo ông Chu An Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trước đây, đất sản xuất ở vùng nông thôn thường manh mún, nhỏ lẻ. Qua quá trình tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế nên đến nay, cả nước có khoảng 10 triệu mảnh ruộng canh tác. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác cũng đang trở thành xu thế tất yếu đã góp phần thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, huy động nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác để sản xuất kinh doanh, cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Hướng đến sản xuất quy mô lớn
Tại tỉnh Hà Nam, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch cho bà con, nhằm nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, sau khi vận động, thỏa thuận thuê lại được 10 ha đất của trên 30 hộ dân, từ năm 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn (huyện Bình Lục) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ.
Nhiều địa phương đã tập trung, tích tụ ruộng đất tăng sức cạnh tranh, giúp tăng thu nhập cho thành viên. |
Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn cho biết: Tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp.
Bởi nếu sản xuất nhỏ lẻ, các khoản chi phí đầu tư cao hơn, thu nhập của nông dân đạt thấp, thậm chí có vụ, nhiều hộ thành viên còn chịu thua lỗ nặng.
Những vụ đầu tiên, sản lượng lúa hữu cơ thu hoạch trên diện tích đất đã tích tụ, được HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế mang lại thu nhập cho thành viên, bên cạnh việc tích tụ ruộng đất, thời gian tới, HTX sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa hữu cơ, đưa sản phẩm vào các siêu thị và các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mô hình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Thực tế tại mô hình tích tụ 20ha đất cấy lúa của anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động (Bình Lục) cho thấy rõ hiệu quả của cách làm này.
Anh Thường chia sẻ: Diện tích đất tích tụ của gia đình trước đây là vùng đất trũng, xa khu dân cư, hiệu quả sản xuất rất thấp vì hay bị úng lụt, gia đình thường xuyên gặp cảnh khó khăn, thiếu đói. Nhận thấy người dân canh tác trên vùng đồng này hiệu quả không cao, thậm chí có vụ còn chịu thua lỗ bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…, anh đã trao đổi, phối hợp cùng với HTX Tiêu Hạ tuyên truyền, vận động nông dân cho thuê đất.
“Qua vụ đầu tiên, nhận thấy những hạn chế của gieo sạ như: Dùng thuốc diệt cỏ nhiều, mất công dặm tỉa…, tôi chủ động chuyển sang cấy máy. Đưa cơ giới vào tất cả các khâu sản xuất (làm đất, cấy, gặt bằng máy; phun thuốc trừ sâu bằng máy bay…), liên kết với doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cao hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Gia đình tôi hiện đã có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”, anh Hoàng Văn Thường chia sẻ.
Nói về mô hình tích tụ ruộng đất, tăng năng suất, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Lợi ích thiết thực của những mô hình này là chi phí đầu tư giảm nhờ đưa cơ giới vào sản xuất, năng suất cây trồng ổn định hơn, đặc biệt sản phẩm được sản xuất tập trung, số lượng lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt so với những diện tích cấy nhỏ lẻ tại địa phương.
Thúc đẩy mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
Từ một vùng đất cằn cỗi, quanh năm khô hạn, người dân sống thuần nông với năng suất lúa và thu nhập rất thấp. Bằng huy động nông dân góp đất, lập kế hoạch và cùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, HTX Đồng Tâm 3, huyện Hiệp Hòa, tỉnh bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông sản hàng hóa và nâng cao thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Nhiều HTX đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Thành lập năm 2017, HTX có 14 ha đất ruộng lúa kém hiệu quả của 52 hộ nông dân cam kết đóng góp. Vốn điều lệ được quy đổi từ diện tích đất đai sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.
Đến nay, với tổng diện tích hơn 2,5 nghìn m2 nhà lưới và hơn 10 ha đất nông nghiệp do thành viên tích tụ ruộng đất, HTX đang canh tác các loại cây trồng, gồm: dưa lưới, dưa vàng, dưa lê, dưa chuột, cà chua, rau cải theo tiêu chuẩn VietGap.
Bình quân HTX sẽ cung cấp khoảng 30 tấn nông sản/năm cho các doanh nghiệp, giá thu mua từng loại nông sản sẽ được thỏa thuận hợp lý theo từng thời vụ.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 chia sẻ, riêng hai nhà lưới của HTX có hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bón phân tự động theo công nghệ Israel, phân bón được hòa trong nước bón trực tiếp cho cây nên giảm được công lao động. Mỗi vụ cho thu hoạch trung bình sản lượng dưa lưới, dưa vàng khoảng 7 tấn, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/vụ đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho các hộ thành viên.
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đánh giá, với cách làm mới là huy động nông dân cùng góp đất, cùng lập kế hoạch và tham gia vào sản xuất đồng thời ứng dụng công nghệ cao, các HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra cơ hội mới trong sản xuất hàng hóa và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhiều HTX đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Đoàn Huyền