Tích tụ ruộng đất quy mô lớn là yêu cầu tất yếu để sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương loay hoay câu hỏi làm sao để tích tụ được đang là vấn đề chưa có lời giải, trong đó bài toán việc làm, chủ trương, chính sách và lịch sử để lại… đặt ra vấn đề trong quản lý cũng như trong thực hiện.
Câu chuyện ở Cần Thơ
Tổ hợp tác (THT) trồng chuối mô Lâm Hưng Phát, với mô hình trồng chuối cấy mô, quy mô 87 ha, hiện đang cho đầu ra khá ổn định, giá cả cao gấp nhiều lần khi xuất khẩu và đây là giống chuối được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, được nước ngoài ưa dùng. Ngoài làm giàu cho bà con thành viên, THT còn giải quyết việc làm cho 120 lao động địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích 87 ha này nằm dọc theo con kênh vắt ngang qua phần đất phía Tây do nông trường sông Hậu quản lý, THT chỉ được thuê trong thời hạn 4 năm. Việc tích tụ ruộng đất để đầu tư lâu dài là điều lo ngại.
Ông Nguyễn Khoa Nam, Phó Chủ nhiệm THT Lâm Hưng Phát (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết, quá trình tích tụ ruộng đất đang là một trong những vấn đề khó cho các tổ chức làm kinh tế như chúng tôi, mặc dù đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế, nhưng chúng ta chưa có cơ chế thị trường thật sự về đất đai, do đó để áp dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tăng khả năng cạnh tranh đang là vấn đề khó với THT chúng tôi.
Tích tụ và tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi có tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Việc tích tụ ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Cần Thơ nói riêng chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, THT hay HTX tập trung, tích tụ ruộng đất của nông dân để sản xuất, đây xem ra đang là hướng đi đúng nhưng để phát triển theo mô hình này lại và vấn đề vô cùng nan giải.
Đơn cử như mô hình cánh đồng lớn ở HTX Đồng Vạn (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) thì cánh đồng lớn của HTX là 400 ha được tích tụ từ 208 hộ nông dân, HTX chỉ có vai trò liên kết với nhau để tạo thành cánh đồng lớn. Tuy nhiên, một số người dân có tư tưởng sợ mất đất canh tác, làm ruộng để giữ đất, ngại giao đất cho HTX. Từ trước đến nay phần lớn nông dân chưa từng liên kết sản xuất lớn, mạnh ai nấy làm, không muốn phụ thuộc, còn nếu có liên kết thì một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại hoặc phó mặc cho HTX.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ đánh giá, trên thực tế khó khăn ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn là chưa có một chính sách rõ ràng, để phát triển hàng hóa theo hướng hiện đại thì cần phải mạnh dạn thay đổi chính sách nhằm khuyến khích chuyển đổi ruộng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tập trung phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn bên cạnh đó phải gắn với chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề.
Đặt lợi ích nông dân lên hàng đầu
Chuyên gia kinh tế Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế kinh tế - Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nhận định: Việc tích tụ ruộng đất để hướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là trong quá trình thực hiện phải đảm bảo được lợi ích của người nông dân, lịch sử ngành nông nghiệp của VN với khẩu hiệu “người cày có ruộng” lúc trước đã đưa lại kết quả những mảnh đất nông nghiệp bị chia nhỏ lẻ, manh mún. Dần dần sau đó, nhiều người có ruộng cũng không làm được nhưng bán đi cũng không được, thậm chí muốn cho thuê lại cũng gặp nhiều khó khăn.
Cần mở đường cho tích tụ ruộng đất (Ảnh: TL) |
Gần đây, ngay cả ở vùng đất nông nghiệp như ĐBSCL cũng dần hình thành nên những người nông dân có nhiều ruộng đất. Đó là nhu cầu thực tế, xu hướng phát triển của xã hội. Thế nhưng, việc tập trung đó chưa đủ quy mô cần thiết để cơ giới hóa nông nghiệp. Đây chính là khó khăn lớn nhất đã kéo dài thời gian qua của nền nông nghiệp VN vì để áp dụng khoa học công nghệ thì buộc phải sản xuất ở quy mô lớn.
Hiện nay sở hữu đất đai do Hiến pháp quy định nên khó thay đổi, nhưng VN có thể đưa ra giải pháp để tạo ra được thị trường giao dịch quyền sử dụng đất như các điều kiện mua bán, cho thuê thông thoáng, dễ dàng hơn. Từ đó sẽ giúp cho việc tích tụ ruộng đất trở nên dễ dàng và đi ngay vào cuộc sống.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay như hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng, hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại.
Minh Thành