HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn cắm mốc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết đây là mô hình tập trung ruộng đất lớn đầu tiên trong toàn tỉnh theo cơ chế HTX thuê lại đất của dân để sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Nhưng thực tế đã được thử nghiệm ở một số nơi cho hiệu quả rất tốt.
Hình thành cánh đồng mẫu lớn
Các HTX nông nghiệp tại Hà Tĩnh hoạt động chủ yếu ở các khâu dịch vụ đầu vào như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, dịch vụ giống cây trồng…, mang tính chất phục vụ lợi ích cho thành viên. Hoạt động của HTX nông nghiệp bước đầu đã có sự thay đổi, đã mạnh dạn đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất cây trồng, đặc biệt là cây lúa của các HTX vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự đột phá trong việc tạo dựng cánh đồng mẫu lớn, chưa tạo được chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất và giá trị.
Đứng trước những thay đổi về nhu cầu thị trường, tình hình thu mua lúa gạo… và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, người dân xã Lưu Vĩnh Sơn, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn thuê 27,9 ha đất của 154 hộ dân tại 2 thôn Đông Tiến và Lộc Ân trong 5 năm. Giá thuê là 60 kg thóc/sào/năm, quy đổi thành tiền để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này.
Đại diện HTX cho biết chỉ khi có cánh đồng mẫu lớn mới có thể sử dụng cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, có như thế mới có thể giảm giá thành sản xuất, chất lượng nông sản đồng đều và sản lượng ổn định.
Hiện, HTX đã cắm mốc quy hoạch 15 vùng sản xuất, lộ trình sẽ phá bỏ 284 thửa đất nhỏ lẻ thành 50 thửa lớn với diện tích tối thiểu 0,5 ha/thửa. Theo kế hoạch, vụ hè thu này, HTX hợp đồng với doanh nghiệp mua giống chất lượng cao, sản xuất đồng loạt nếp 98 trên toàn bộ diện tích đã thuê.
Sáng 23/5 vừa qua, HTX thuê máy móc triển khai giai đoạn 1, phá bỏ những bờ ngăn các thửa nhỏ từ 1 đến 2 sào để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, với tổng cộng lên đến 7 ha. Diện tích còn lại sẽ được phá bỏ sau khi thu hoạch vụ hè thu. HTX cũng quy hoạch lại hạ tầng, xây kênh mương nội đồng hợp lý, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
HTX thuê máy móc phá bỏ những bờ ngăn các thửa rộng bé nhỏ từ 1 đến 2 sào để xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Ảnh: TL) |
Cơ giới hoá sản xuất
Để quản lý, chăm sóc cánh đồng mẫu đạt hiệu quả và năng suất cao, HTX thành lập 15 tổ hợp tác để quản lý, chăm sóc 15 vùng sản xuất dưới sự quản lý của HTX. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên trong toàn tỉnh theo cơ chế HTX thuê lại đất của dân để sản xuất cánh đồng mẫu lớn.
Theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, HTX sẽ được hỗ trợ phí thuê đất 2 năm đầu (tối đa 15 triệu/ha/năm); hỗ trợ kinh phí phá bỏ bờ thửa, làm phẳng mặt ruộng, cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất… với mức 20 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện lồng ghép nguồn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với mức 50% kinh phí mua giống.
"Giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn, huyện sẽ cùng đồng hành để tháo gỡ. Trước mắt, huyện thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng HTX theo dõi quá trình sinh trưởng, sâu bệnh của lúa để kịp thời xử lý. Đồng thời, đánh giá toàn diện, đầy đủ mô hình để làm tiền đề nhân rộng sau này”, ông Sáu nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ. Cùng với đó, nông dân có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ, từ vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ, làm đất đến xuống giống, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa... đồng loạt.
Chính nhờ sử dụng phương tiện cơ giới đã rút ngắn thời gian từ 5 - 10 lần so với sản xuất thủ công. Việc cơ giới hóa không chỉ giải phóng sức lao động, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Hà An