Những năm qua, huyện Yên Thủy đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng khoa học, thân thiện môi trường như cải tạo vườn tạp, hỗ trợ phát triển hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, hỗ trợ chăn nuôi, phát triển làng nghề, nghề truyền thống…
Nhiều thành tựu ấn tượng
Các chính sách hỗ trợ của huyện đang phát huy hiệu quả khi toàn huyện đã cải tạo được xấp xỉ 300 ha vườn tạp, mở rộng diện tích cây có múi được gần 600 ha cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được hình thành.
![]() |
Bưởi đang là một trong những sản phẩm thế mạnh tại Yên Thủy (Ảnh TL). |
Có thể kể đến mô hình liên kết tiêu thụ mía nguyên liệu với CTCP Mía đường Hòa Bình và Mía đường Việt Đài với diện tích trên 600ha; mô hình liên kết tiêu thụ cà gai leo xã Bảo Hiệu; mô hình liên kết trồng và tiêu thụ bí xanh của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu…
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện Yên Thủy là vai trò của khu vực kinh tế hợp tác. Đến nay, toàn huyện có 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 27 tổ hợp tác.
Các HTX, tổ hợp tác đã phát huy vai trò trong việc triển khai xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, tăng cường và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo uy tín tiêu thụ.
Điển hình như, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng chỗ đứng trên thị trường, HTX Nông nghiệp Đại Đồng (xã Ngọc Lương) đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào trồng bưởi Diễn, qua đó xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Bưởi Yên Thủy”.
Xác định chất lượng là chìa khóa thành công, HTX luôn chủ động đổi mới sản xuất, cải tiến kỹ thuật chăm sóc, "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn cho con người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Đức Bình, thành viên HTX Đại Đồng chia sẻ, nếu như trước đây, tình trạng lạm dụng thuốc thường xuyên xảy ra, thì nay quy trình sản xuất VietGAP được áp dụng, thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất của các hộ trồng cây.
“Chúng tôi được tập huấn và nắm chắc các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây bưởi, hoặc nếu phải phun thuốc thì đều tuân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách)”, ông Bình cho hay.
Thêm điểm tựa bứt phá
Trong bối cảnh mới, huyện Yên Thủy đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Dù là huyện xa trung tâm tỉnh, nhưng Yên Thủy lại tiếp giáp với các địa phương đang phát triển mạnh như Ninh Bình, Thanh Hóa.
![]() |
Nông nghiệp hữu cơ đang có nhiều tiềm năng phát triển tại Yên Thủy (Ảnh TL). |
Huyện có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua, nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Lạc Hưng, Bảo Hiệu trở thành vùng thuận lợi. Cùng với đó là hệ thống quốc lộ kết nối mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Theo đó, để phát huy những thế mạnh về nông nghiệp, huyện dự kiến tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Huyện sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án, mô hình phát triển liên kết chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất, bảo quản, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
Huyện cũng chủ động thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và cơ sở chế biến tập trung; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, huyện sẽ hình thành một số mô hình tổ chức liên kết sản xuất bảo đảm chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương.
Hưng Nguyên